Tết đoàn viên sau ngày giải phóng
Nói về cái Tết hòa bình đầu tiên của mình (1955) khi còn trong quân ngũ, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước hồ hởi như vừa bước ra từ câu chuyện cổ tích.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, Pháp rút khỏi Đông Dương, tháng 7, anh lính trẻ tên Thước cùng trung đoàn từ Hạ Lào vượt Trường Sơn kéo về quân khu 4 (Bình-Trị-Thiên) đóng quân.
Năm 1955, nhân dân Quảng Bình hồ hởi ăn Tết trong không khí hòa bình bao trùm. Với những anh lính, cảm nhận về chiến thắng, về hòa bình cũng khác.
Đây là lần đầu tiên, trung đoàn được về làng ăn Tết cùng nhân dân, kỷ luật quân đội lúc bấy giờ vô cùng nghiêm ngặt vì chưa biết ai là địch ai là ta. Một mặt, những anh lính cụ Hồ ra sức vận động, giúp dân chuẩn bị Tết; một mặt hết sức cảnh giác vì có thể địch còn cài cắm người ở lại.
Tết hòa bình đầu tiên của Tướng Thước là được trải nghiệm với nhân dân Quảng Bình. |
Cái Tết đầu tiên đó, công việc thực sự của bộ đội là làm công tác dân vận. Đêm giao thừa, trừ những người trực chiến, còn lại tất cả các anh em vào làng đón Tết cùng dân. Đây là cái Tết đưa người chiến sĩ bộ đội cụ Hồ về với dân vùng giải phóng. Tuy thời gian Tết chỉ có mấy ngày, nhưng sự liên kết, hiểu biết đã được hình thành giữa bộ đội và nhân dân. Sau đó trở đi, công tác vận động quần chúng tại đây thuận lợi hơn nhiều. Sau này, Quảng Bình là tâm điểm nổi bật trong sản xuất với phong trào “gió đại phong” (hợp tác xã sản xuất).
Tết hòa bình: Bánh tét chia đôi
Dù đã giải phóng được vài tháng trước Tết nhưng nhân dân Quảng Bình vẫn chịu cảnh khoai sắn triền miên. Và ngày Tết cũng vậy, tuy đã được Đảng ưu tiên hỗ trợ gạo nếp gói bánh tét nhưng bánh sắn vẫn là chủ yếu.
Kể lại với tôi, Trung tướng vẫn nhớ như in hình ảnh những người cha, người mẹ Quảng Bình tần tảo, nhường nhịn thức ăn ngon cho bộ đội.
Ngày Tết với tướng Thước chỉ có niềm vui. |
Ngày Tết, mỗi nhà được một cái bánh tét gạo nếp, nhưng các cụ nhường hết cho bộ đội vì nghĩ “không quen ăn sắn”. Nhưng các cụ không hiểu, lính các cụ là lính Bình-Trị- Thiên, quanh năm ăn sắn nên cũng đã quen. Vậy là, cả nhà hỉ hả chia nhau người ít bánh tét, người ít bánh sắn.
“Vật chất không nhiều nhưng tình cảm, tinh thần vô biên”, Trung tướng cho biết.
Suốt mấy ngày Tết, người lính đã cho nhân dân hiểu: Quân đội nhân dân là quân đội của dân. Những điệu hò khoan, những đống lửa trại, những điệu múa sạp, múa lăm-vông (múa Lào)… kéo dài vô tận…
Xuân chiến khu: Quanh năm ăn Tết ở bờ sông
Năm 1965, cái Tết đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Sư đoàn 325 là được ăn bên bờ suối và trong hàng rào địch. Lúc đó, Sư đoàn 325 đang chuẩn bị một trận đánh lớn vào căn cứ Mỹ ngụy ác ôn, lớn nhất ở Thừa Thiên. Giây phút giao thừa đêm 30, cả Sư đoàn nằm bên bờ suối, chờ thời cơ địch vui chơi mất cảnh giác vào thăm dò. 10 ngày sau, ta tổ chức đánh và tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn ấy.
Với tướng Thước, ăn Tết trong chiến tranh không phải là hưởng thụ bằng vật chất mà bằng thắng lợi của trận đánh, lợi dụng sơ hở của địch trong những cái Tết.
Chính vì thế, sau này, tất cả những trận đánh lớn của ta như Mậu Thân năm 1968, cuộc tổng tấn công năm 1972… đều đánh vào đêm giao thừa. Với bộ đội, ngày đầu năm mới không phải là ngày nghỉ ngơi, mà là “ngày làm việc chính”.
Sư đoàn 325 chủ yếu đón giao thừa ngoài bờ sông và trong hàng rào địch. |
Kỷ niệm trong cuộc đời làm Cách mạng của anh lính Thước chỉ có “đánh và đánh” (đánh giặc). Ông rất phấn khởi khi kể với tôi bởi “vui nhiều, buồn ít vì thắng nhiều, thua ít”.
Hy sinh cho Tổ quốc, anh lính tên Thước cùng vợ xa nhau 10 năm không tin tức. Gặp lại nhau trên phà Bến Thủy, cả 2 mừng mừng tủi tùi vì nghĩ “đã mất nhau”.
Năm 1974, sau 10 năm đi đánh Mỹ, anh lính mới được gặp lại vợ. Vợ ông, sau 10 năm bặt tin chồng, tự vào Quảng Bình hỏi thăm. Bà vào nhưng không thấy nên đành trở ra. Tình cờ, lúc đó, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp triệu tập ra nhận mệnh lệnh giải phóng Tây Nguyên. Cùng trong ngày hôm đó, tại đất Quảng Bình, vợ ông đi chuyến xe trước trở ra vì không gặp chồng; tướng Thước đi chuyến xe sau. Nhà phà phải đợi đủ người mới xuất hành. Vậy là xe bà, xe ông cùng được lên chuyến phà ngày hôm đó. Chuyến xe của ông có rất nhiều anh em đi 10 năm mới về.
“Một người trở ra vì không tìm được chồng; một người đi 10 năm mới về nhà gặp vợ, con. Tưởng rằng sẽ gặp nhau ở nhà (bên kia phà Bến Thủy là nhà ông bà), nhưng lại gặp nhau trên chuyến phà lênh đênh sông nước”, Tướng Thước xúc động nhớ lại.
Nhận ra ông trên chuyến phà đó, không phải là vợ, mà là một người bạn. Sau đó, vợ ông chạy ra nhận chồng ngỡ ngàng. Hai vợ chồng gặp nhau mừng mừng tủi tùi. Vợ ông khóc như chưa bao giờ được khóc. 2 đứa trẻ thấy cha về sợ hãi bỏ chạy vì “tự nhiên có ông đen thui, gầy gò, hom hem vào nhà cùng mẹ”.
Khi ông ra đi, một con hơn 1 tuổi; một đứa vừa lọt lòng hơn 1 giờ đồng hồ. Thế mới biết, chiến tranh khắc nghiệt chừng nào.