Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh, doanh nghiệp là chiến sĩ ở thời bình, là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam phát triển. Vì doanh nghiệp là lực lượng tiên phong tạo ra sản phẩm và giá trị gia tăng cho đất nước. Thực tế, không quốc gia nào có thể phát triển nhanh và bền vững nếu có đội ngũ doanh nghiệp khó khăn, không phát triển được. Cho nên, Việt Nam muốn phát triển nhanh hơn, tốt hơn, ngay trong năm 2014 này, phải thực sự quan tâm đầy đủ tới lực lượng doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp khác.
Học cách “đánh nhỏ thắng nhỏ, đánh chắc thắng chắc”
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, biến động như hiện nay, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khuyên các doanh nghiệp cần sáng tạo và dũng cảm. Để có thể vượt khó và bứt phá trong năm 2014, các doanh nghiệp nên tạo cho mình một sức đề kháng, khả năng chống chọi với thay đổi môi trường kinh doanh (như tỷ giá thay đổi, giá cả thay đổi...). Muốn như vậy, theo ông Doanh, doanh nghiệp phải ứng dụng khoa học công nghệ. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp nên học câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đánh nhỏ thắng nhỏ, đánh chắc thắng chắc”.
Theo lý giải của ông Doanh, cần học cách “đánh” này vì nền kinh tế thế giới đang còn nhiều biến động và kinh tế trong nước lạm phát vẫn là một vấn đề… Cho nên doanh nghiệp cần có những dự án đầu tư vào kinh doanh ngắn hạn, trong chiến lược dài hạn để kết thúc một trận đánh nhỏ nhưng chắc chắn, thu được lợi nhuận và tiếp tục đánh một trận đánh lớn với việc lực mình thì yếu nhưng dự kiến làm một dự án quan trọng, vay mượn sẽ kém hiệu quả.
Còn theo đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, năm 2014, phản ánh từ khối doanh nghiệp mà tôi được chia sẻ, khó khăn vẫn là chính. Những quyết sách của Quốc hội chưa thể có tác động ngay, bộ luật lớn như Hiến pháp, Luật Đất đai phải có độ trễ thời gian mới có thể phát huy hiệu quả. Một vài yếu tố khác như khả năng ký kết TPP sẽ mở ra cơ hội, nhưng cơ hội với thách đố luôn đi liền nhau. Kinh nghiệm từ WTO cho thấy tiềm năng phải đi cùng với sự thay đổi chính mình khi thử thách quá lớn. Chưa kể tới 2015, hàng loạt thách thức khác như dỡ bỏ hàng rào thuế quan theo cam kết WTO, bài toán về sức cạnh tranh của nền kinh tế ra sao? TPP cũng vậy, cơ hội tốt, nhưng không chuẩn bị tốt thì hụt hơi và bộc lộ thế yếu. Trong sân chơi này, chủ quan rất nguy hiểm.
Cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp
Là người đang trực tiếp “chiến đấu” trên thương trường, ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc công ty cổ phần Thúy Đạt tại Nam Định, cho biết: “Chúng tôi có dự án chủ yếu tại Lào, làm theo quy trình khép kín từ trồng bông đến xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam ra nước ngoài. Quy mô dự án có tổng đầu tư 97 triệu USD, trong đó 85% vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam tài trợ với lãi suất ưu đãi, còn lại là công ty có vốn đối ứng 15%.
Ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc công ty cổ phần Thúy Đạt. |
Mặc dù được hỗ trợ tích cực từ phía Lào để đầu tư phát triển, nhưng ông Châu vẫn trăn trở rằng, đầu tư làm bông và dệt may, rất khó khăn vì vừa là lĩnh vực công thương vừa nông nghiệp, nhưng lợi nhuận mang lại không cao. Hơn nữa, khó khăn nhãn tiền là, khi đầu tư, ngoài tiềm lực kinh tế của bản thân doanh nghiệp, còn phải dựa vào nguồn tài chính từ các tổ chức tín dụng.
Ông Châu đề nghị, “doanh nghiệp không mong tiếp cận được vốn có lãi suất như các nước tiên tiến, từ 0 đến 2%, nhưng mong được hưởng mức lãi suất có thể tiệm cận được với khu vực 40%, và có sự ổn định. Bởi vì, khi hội nhập, thị trường là cái chợ chung, nếu doanh nghiệp nào chi phí cho đầu vào lớn hơn, giá thành cao hơn, lại bán vào chợ chung thì sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh kém hơn”. Bên cạnh đó, về xúc tiến thương mại, ông Châu cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp được hưởng lợi từ những hỗ trợ của Nhà nước về xúc tiến thương mại. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp thương mại. Bản thân công ty cũng nắm bắt cơ hội này. Song, vẫn có khó khăn phức tạp chứ không phải dễ gì hưởng lợi. Nhất là năng lực tài chính có hạn, nếu doanh nghiệp đầu tư quá sức sẽ có rủi ro.
Nếu ở riêng khía cạnh doanh nghiệp liên quan đến dệt may, ông Châu cho rằng, để phát triển được vững chắc, cần Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nào tạo được các vùng nguyên liệu. Còn nhìn rộng ra với đội ngũ doanh nghiệp nói chung, ông Châu nhận định: “Năm 2014, có tín hiệu kinh tế sẽ tốt hơn một chút so với năm 2013. Nhưng “sức khỏe” của các doanh nghiệp vẫn còn yếu. Cho nên Nhà nước cần giữ được ổn định vĩ mô, tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nếu không, có thể các doanh nghiệp vì “mệt mỏi” mà sinh ra những tư tưởng không tốt”.
Còn Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, ngay trong năm 2014 và các năm tiếp theo, khi các doanh nghiệp trải qua sóng gió của giai đoạn khó khăn vừa qua, “sức khỏe” trở nên yếu, cần phải tìm cách hỗ trợ cho họ. Các hỗ trợ trong năm 2012, 2013 phần nào đã có tác động tích cực, nhưng chưa đủ. Nhiều doanh nghiệp còn chưa tiếp cận đượch nguồn lực mới.
Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, phải tiếp tục giải quyết vấn đề nợ xấu của các doanh nghiệp để họ được tiếp cận với những nguồn lực mới, với vốn lãi suất thấp, và được hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ về nhân lực. Đặc biệt, hỗ trợ phải rất cụ thể đối với từng nhóm doanh nghiệp và từng đối tượng có đặc thù riêng. “Năm 2014, chúng ta phải thực chất hơn trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để doanh nghiệp phục hồi, tiếp tục phát triển. Và chỉ có làm như vậy, đất nước mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,4% năm nay”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.