Theo Guardian, người dân địa phương cho biết hầu hết voi chết tại các địa điểm gần nguồn nước hoặc hố nước. Chính phủ Botswana vẫn chưa xét nghiệm mẫu nước tại khu vực này để xem trong đó có chứa chất độc hoặc nguy hại nếu con người sử dụng hay không. |
Botswana là nơi ở của khoảng 1/3 đàn voi châu Phi. Năm ngoái, một diện tích rộng lớn của quốc gia này trải qua đợt hạn kỷ lục, khiến nhiều con voi bị chết khát. Tuy nhiên thời gian qua đồng bằng Okawango có mưa, và người dân địa phương cho biết nguồn nước cho voi khá dồi dào. |
Chính phủ Botswana loại bỏ nguyên nhân những cái chết lần này là do săn trộm, vì xác của các con voi không có dấu vết bị xâm hại. Cặp ngà - thứ giá trị nhất của chúng, vẫn còn nguyên vẹn. Thêm vào đó, không có xác của các loài vật ăn xác chết ở bên cạnh những con voi, vì vậy có thể những con voi không chết vì bị đầu độc. |
Bệnh than, bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn gây ra, đôi khi ảnh hưởng đến một số loài động vật hoang dã ở Botswana. Tuy nhiên các chuyên gia thú y của chính phủ cho biết mẫu lấy từ các con voi chết ở đồng bằng Okavango không có dấu hiệu của vi khuẩn bệnh than. Ảnh: Guardian. |
Hiện tượng tảo nở hoa đôi khi làm cho nguồn nước trở nên độc hại với các loại động vật. 70% số voi chết được tìm thấy gần các nguồn nước, nhưng không có loài động vật nào khác chết với số lượng đáng kể, vì vậy có thể đây không phải là nguyên nhân giết chết những con voi. |
Báo Guardian cho biết người dân địa phương kể lại rằng những con voi dường như đi thành vòng tròn trước khi gục xuống - dấu hiệu cho thấy chúng bị tổn thương về mặt thần kinh. Cả voi đực và voi cái đều chết, trong khi nhiều con khác có vẻ đi lại một cách yếu ớt, gợi ý rằng số voi chết có thể tăng lên trong thời gian tới. |
Con số thực tế có thể lớn hơn vì Okavango là một vùng đồng bằng rộng lớn, với những con voi chết rải rác ở những vị trí khó nhận biết. Các nhà bảo tồn đưa ra giả thuyết về một chủng virus mới hoặc vi khuẩn mới là thủ phạm gây ra cái chết của những con voi ở đây. |
Chính phủ Botswana cho biết họ đã gửi mẫu từ các con voi chết tới phòng thí nghiệm ở Zimbabwe, Nam Phi và Canada để nghiên cứu sâu hơn về nguyên nhân gây ra tình trạng đáng lo ngại này. |