Phát biểu tại phiên họp Chính phủ ngày 29/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định, việc Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan là ngang ngược. Việc này không chỉ xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền Việt Nam, luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982 mà cả Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).
“Hành động của Trung Quốc thực sự đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước ta luôn quyết tâm đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng các giải pháp hòa bình theo đúng luật pháp quốc tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cho hay, kể từ lúc xảy ra vụ việc, Việt Nam đã dồn sức đấu tranh ngoại giao. Trong hơn 30 lần gặp gỡ, giao thiệp, Việt Nam đã chỉ rõ sai trái, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan.
Việt Nam cũng thông báo cho quốc tế một cách trung thực về hành vi sai trái của Trung Quốc và thiện chí, mong muốn giải quyết bằng hoà bình, đúng luật pháp quốc tế đối với vụ việc. “Dư luận quốc tế đều ủng hộ rộng rãi, lên tiếng phê phán Trung Quốc, kêu gọi không được hung hăng dùng vũ lực”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: VGP. |
Trước việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan đến vị trí mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam tiếp tục đấu tranh trên thực địa và các tàu sẵn sàng chấp nhận bị va chạm vì đây là vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hàng chục tàu cá của Việt Nam đánh bắt ở vùng này cũng để khẳng định chủ quyền.
“Sự kiện này sẽ tác động tới kinh tế xã hội thế nào? Tôi yêu cầu phải chỉ đạo một mặt bảo vệ chủ quyền, vừa giữ ổn định chính trị xã hội, vừa đưa kinh tế xã hội tiếp tục phát triển, đạt GDP 5,8%”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tuy nhiên, ở góc độ kinh tế-xã hội, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh sự coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác với Trung Quốc trên các lĩnh vực bình thường, như gần đây Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan vẫn tới Thượng Hải dự hội nghị hay tại Lào Cai khánh thành nhà máy thép công suất nửa triệu tấn do Trung Quốc và Việt Nam liên doanh.
“Chúng ta kiên trì, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng bằng giải pháp hoà bình. Biện pháp pháp lý cũng là một biện pháp hoà bình theo đúng Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế mà chúng ta sẽ cân nhắc quyết định cho phù hợp”, Thủ tướng cho biết thêm.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng đã có những đánh giá về về tác động của những căng thẳng trên Biển Đông tới tình hình kinh tế đất nước. Theo đó, mặc dù lúc mới xảy ra sự việc có những ảnh hưởng nhưng đến cuối tháng 5, tình hình đã ổn định trở lại: Thị trường chứng khoán dần hồi phục, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định hơn…
“Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp để khắc phục sản xuất. Vài hôm trước, 97-98% doanh nghiệp đã trở lại sản xuất”, Thủ tướng cho hay.