Phân tích kỹ có thể thấy mưu đồ này đã được Trung Quốc lên kế hoạch từ lâu, và tìm mọi cách thực hiện dù có phải vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, cũng như các cam kết mà nước này là một bên tham gia.
Kỳ 1: Yếu về lời nói, mạnh về hành động
Tự vẽ “đường 9 đoạn”
Là nước “hăng hái” nhất khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, nhưng đến năm 1951, Trung Quốc mới đưa ra tuyên bố đầu tiên về vấn đề này. Tại “Hội nghị San Francisco”, Thủ tướng Chu Ân Lai nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa, Đông Sa đã luôn là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Yêu sách chủ quyền sau đó được đẩy lên một cấp độ “mạnh mẽ” hơn vào năm 1997, khi Ngoại trưởng Hoàng Hoa tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông là điều “không thể đàm phán”; mặc dù nó vươn tới cực nam ở bãi Cỏ Rong, sát vùng lãnh thổ Borneo của Malaysisa.
Tuy nhiên, đó chỉ là những khẳng định mơ hồ, với luận điểm chung chung rằng Trung Quốc có “bằng chứng hữu hiệu” về sự kiểm soát “chủ quyền này”.
Đường 9 đoạn do Trung Quốc tự vẽ ra với ý đồ chiếm trọn Biển Đông. |
“Chứng cứ lịch sử” rồi cũng được Trung Quốc trưng ra: Ngày 7/5/2009, chỉ một ngày sau khi Malaysia và Việt Nam đệ trình bản báo cáo chung đăng ký thềm lục địa mở rộng khu vực phía nam Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc(CLCS), Trung Quốc gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc phản đối, trong đó đính kèm bản đồ “đường 9 đoạn”, bao trùm hơn 80% diện tích Biển Đông, chiếm trọn quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Thực chất, đây là tấm bản đồ “đường 11 đoạn”, được chính quyền Tưởng Giới Thạch thời Cộng hòa Trung Hoa xuất bản năm 1947, với “2 đoạn” bao trùm Vịnh Bắc Bộ bị xóa đi vào năm 1953. Chỉ có điều, chính giới nghiên cứu nước này cũng đã thừa nhận sự yếu kém về mặt pháp lý của cái gọi là chủ quyền theo “đường 9 đoạn”.
Học giả Lý Lệnh Hoa, cựu thành viên Trung tâm Tin tức hải dương quốc gia Trung Quốc thừa nhận, Bắc Kinh cần phải hủy bỏ “đường 9 đoạn”, vì việc khư khư chiếm trọn Biển Đông khiến Trung Quốc trở nên “không thể chấp nhận được, vì không có nước nào chấp nhận cái đường vô lý” do Trung Quốc tự đặt ra.
Không dừng lại ở các yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý, Trung Quốc còn mặc nhiên thừa nhận Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” - một khái niệm mà Bắc Kinh thường dùng để chỉ vấn đề chủ quyền quốc gia liên quan đến “điểm nóng” như Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan mà tại đó Trung Quốc sẽ không “thỏa hiệp”, có thể viện đến vũ lực “nếu cần thiết”.
Giới chức và truyền thông Trung Quốc nhiều lần công khai luận điểm này. Một báo cáo do Tân Hoa Xã cho đăng tải hồi tháng 8/2011 khẳng định: Trung Quốc có “3 triệu km2 lãnh hải” ở Biển Đông, thuộc “chủ quyền không thể tranh cãi” và là một phần trong “lợi ích cốt lõi”.
Tựu trung lại, những tuyên bố “lấy được” trên đây chỉ nhằm thể hiện một ý đồ duy nhất: Trung Quốc quyết tâm “độc chiếm Biển Đông”, biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình.
Các bước đi “độc chiếm Biển Đông”
Để thực hiện tham vọng “xâm chiếm” Biển Đông, Trung Quốc liên tục có các hành động gây bất ổn tình hình, tập trung vào các nhóm giải pháp sau:
“Luật hóa chủ quyền”: Là bước đi liên tục, thuộc giai đoạn đầu của lộ trình “kiểm soát, làm chủ, độc chiếm” Biển Đông; nhằm hướng lái dư luận trong nước và quốc tế. Năm 1996, ngay sau khi ký Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Trung Quốc lập tức thông qua một Hiệp định phê chuẩn Công ước này, với điều khoản bảo lưu “các quyền lịch sử” thuộc về “dân tộc Trung Hoa” trước các quy định của UNCLOS. Chính quyền nước này cũng đã đưa vấn đề “chủ quyền” ở Biển Đông vào sách giáo khoa, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về “đường 9 đoạn”.
Năm 2012, bước “pháp lý hóa chủ quyền” leo thang sang một nấc mới, với việc ngày 21/6, Quốc vụ Viện Trung Quốc cho công bố thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa; trực tiếp trực thuộc chính quyền trung ương, có quyền hạn “quản lý” đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đúng 6 tháng sau, Trung Quốc đưa “đường 9 đoạn” vào mẫu hộ chiếu phổ thông điện tử - một hành động sai trái trong quan hệ quốc tế, bị nhiều nước phản đối.
“Xâm lấn” bằng hoạt động kinh tế biển: Là hành động làm chủ từng bước, dựa trên luận điểm các hoạt động kinh tế biển đến đâu, chủ quyền xác lập đến đó. Cùng với việc đầu tư mạnh cho các lực lượng chấp pháp trên biển (Ngư chính, Hải cảnh, Hải giám…) theo hướng tăng cường tiềm lực (tàu thuyền, hệ thống thông tin), Trung Quốc khuyến khích ngư dân khai thác tại những ngư trường xa, thuộc các vùng chồng lấn, thậm chí là của cả các nước khác, thông qua ưu đãi về vốn, thiết bị định vị vệ tinh.
Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Hải Nam được sự đồng ý của Trung ương, hàng năm đều đưa ra các “lệnh cấm đánh bắt cá” trên Biển Đông hết sức phi lý. Đặc biệt, Trung Quốc rất chú trọng “đẩy” các tập đoàn dầu khí quốc gia “vươn vòi” ra Biển Đông.
Ngày 23/6/2012, Tập đoàn dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) cho mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí, tổng diện tích lên đến 160.129 km2, nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam. Mới nhất, ngày 1/5 vừa qua, CNOOC đã hạ đặt trái phép giàn khoan “tỉ đô” Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây ra sự phản đối mạnh mẽ của dư luận khu vực và quốc tế.
“Phá vỡ nguyên trạng”: Là bước đi có có tính hệ thống, nhằm “thu hồi chủ quyền” theo phương thức “tằm ăn dâu” thông qua chiến thuật tạo “sự đã rồi”. Thậm chí cả thủ đoạn sử dụng vũ lực nước này cũng không từ. Năm 1956 Trung Quốc đánh chiếm một phần và đến năm 1974 chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 1988, Trung Quốc một lần nữa đưa quân đánh chiếm đảo Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Theo một kịch bản tương tự, tháng 2/1995, Trung Quốc đưa 7 tàu đến chiếm đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, duy trì sự hiện diện từ đó đến nay. Đầu năm 2013, chính quyền Bắc Kinh một lần nữa “gây rối” ở Trường Sa, với các bước đi “chiếm đóng thực tế" trái phép trên bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham mà Philippines tuyên bố chủ quyền; liên tục duy trì hiện diện thường trực tàu thuyền xung quanh bãi cạn, thay đổi hiện trạng tranh chấp.
Việc cắm giàn khoan Hải Dương 981 sâu vào thềm lục địa của Việt Nam cũng chính là bước đi “thay đổi nguyên trạng”.
Tăng cường sức mạnh hải quân: Mục đích là để “răn đe quân sự”, tạo sức ép trong các yêu sách chủ quyền theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Dựa trên một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, liên tục, Trung Quốc không ngừng tăng cường tiềm lực quân sự, nhất là sức mạnh hải quân, đặc biệt là trên hướng Biển Đông.
Từ một đơn vị yếu kém nhất, Hạm đội Nam Hải đã được đầu tư mạnh, vượt qua cả Hạm đội Đông Hải để trở thành lực lượng mạnh nhất của Hải quân Trung Quốc, được trang bị các tàu chiến lớn nhất, hiện đại nhất, nhất là tàu ngầm, tàu khu trục. Cùng với đó, căn cứ hải quân Tam Á/Hải Nam liên tục được mở rộng, đủ khả năng để tiếp nhận các tàu ngầm nguyên tử, kể cả tàu sân bay.
(Còn tiếp)