Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vị trí mới của giàn khoan Hải Dương 981 có dầu khí?

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, tiềm năng dầu khí ở khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan chưa được đánh giá kỹ bởi Việt Nam chưa đủ tài liệu, thiết bị để khoan ở vùng nước sâu.

Sáng sớm 1/5, cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu Hai Yang Shi You 981 (Hải Dương 981) và 3 tàu dịch vụ dầu khí của Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam.  

16h ngày 2/5, giàn khoan Hải Dương 981 được thả trôi tại tọa độ 15o29’58’’ vĩ Bắc - 111o12’06’’ kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. 

Trung Quốc hạ đặt giàn khoan để khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam và huy động hàng trăm tàu, máy bay... đến bảo vệ hành vi sai trái này.


Vị trí cũ và mới của giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong khu vực lô 142, 143 của PVN.

Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - Đỗ Văn Hậu, vị trí giàn khoan 981 hạ đặt thời điểm đó thuộc lô khai thác dầu khí 142, 143 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tuy nhiên, hai lô này chưa có phát hiện thương mại để có thể khoan dầu khí. 

"Ở lô 142, 143 mà giàn khoan của Trung Quốc đang khoan tìm kiếm thăm dò dầu khí trái phép chưa có phát hiện thương mại nào để có thể khai thác dầu khí và đây là lần đầu tiên có hoạt động thăm dò dầu khí ở khu vực này. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có nhiều đợt khảo sát thăm dò tại đây nhưng chưa khoan", Tổng giám đốc PVN nói trong buổi họp báo quốc tế.

Sau 25 ngày neo đậu ở vị trí đầu tiên, hôm 27/5, giàn khoan 981 đã di chuyển cách vị trí cũ 23 hải lý, cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý. So với vị trí ban đầu, giàn khoan này đã di chuyển hơn 40 km. Với sự dịch chuyển này, giàn khoan 981 vẫn thuộc lô khai thác dầu khí 142, 143 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. 

Tuy nhiên, khi trả lời về tiềm năng dầu khí của khu vực này, ông Đỗ Văn Hậu cho biết, tiềm năng dầu khí ở đây chưa được đánh giá kỹ bởi Việt Nam chưa đủ tài liệu và chưa có đủ thiết bị để khoan ở vùng nước sâu. Hiện, chúng ta mới chỉ tập trung khai thác dầu khí ở những vùng biển nông hơn. Dù vậy, PVN vẫn có kế hoạch và chiến lược tiếp tục thăm dò dầu khí ở những vùng biển xa hơn, kể cả khu vực lô 142,143 đang bị giàn khoan 981 hạ đặt trái phép.

Do chưa có thông tin nào về việc có dầu khí hay không quanh hai vị trí giàn khoan 981 neo đậu trái phép nên lãnh đạo PVN cho rằng, việc Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam là để thực hiện tham vọng bá quyền độc chiếm Biển Đông chứ không hẳn là vì lý do thăm dò, khai thác dầu khí.

Nhiều tàu cá lưới vây được huy động dàn hàng ngang che chắn cho giàn khoan ở vị trí mới. 

Đồng quan điểm, một chuyên gia người Đức cho rằng, dù các xung đột ở Biển Đông chủ yếu vì tài nguyên cũng như việc khai thác tài nguyên nhưng dường như Trung Quốc không đặt nặng động cơ này. Cái mà Trung Quốc ưu tiên hàng đầu là đòi hỏi tuyên bố chủ quyền và làm các nước láng giềng lo ngại. Để làm điều đó, Trung Quốc đã đầu tư khoản tiền khổng lồ cho các lực lượng quân sự và bán vũ trang. Lợi ích thu được về kinh tế không đáng kể gì so với chi phí rất lớn mà họ bỏ ra.

Sau khi di chuyển giàn khoan đến vị trí mới, hôm 27/5, Trung Quốc cho hay, giàn khoan Hải Dương 981 đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên trong hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông, vì vậy cần đưa đến vị trí mới để phục vụ giai đoạn hai. 

Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng, có thể do vị trí ban đầu nhiều bùn, độ bùn ngập sâu quá hoặc đáy biển chưa phù hợp, hay có thể có dấu hiệu của khí nông nên không dám làm, không thể đặt được thiết bị đầu giếng; về mặt kỹ thuật có thể Trung Quốc gặp sự cố trong khi khoan... nên nước này mới di chuyển giàn khoan.

 Diễn biến vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở Biển Đông: 

5h22 ngày 1/5/2014, Cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu Hai Yang Shi You 981 (Việt Nam gọi là Hải Dương 981) và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam.  

Đến 16h ngày 2/5, giàn khoan Hải Dương 981 được thả trôi tại toạ độ 15o29’58’’ vĩ bắc - 111o12’06’’ kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Trung Quốc hạ đặt giàn khoan này để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam và huy động hàng trăm tàu bảo vệ, máy bay... đến vùng biển này.  

Việc làm này của Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.  

Ngày 4/5, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có thư gửi Chủ tịch và Tổng giám đốc của Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc cực lực phản đối hành động này và kiên quyết yêu cầu Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.  

Phía Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng, trao đổi với phía Trung Quốc về vụ việc trên nhưng phía Trung Quốc vẫn không hợp tác, rút giàn khoan trái phép ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Nhiều ngày qua, các tàu của Trung Quốc liên tục tấn công, phun vòi rồng, đâm va nhằm cản trở tàu của cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam thực hiện quyền chấp pháp tại vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam.  

Cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích Trung Quốc hiếu chiến khi hạ giàn khoan trái phép tới vùng biển Việt Nam và dùng tàu tấn công tàu Việt Nam. 

Ngày 27/5, giàn khoan 981 được di chuyển đến vị trí mới, cách địa điểm cũ 23 hải lý. Phía Trung Quốc lý giải, họ đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên và việc di chuyển để thực hiện giai đoạn hai.

Nguyễn Vũ

Bạn có thể quan tâm