Ngày 26/2, PUBG Corp công bố kết quả chống gian lận trong game trên trang chủ. Theo đó, hãng đã phối hợp cùng nhà phát hành Tencent và các cơ quan chức năng để càn quét những hành vi phát triển phần mềm hack/cheat. Có hơn 200 đối tượng sa lưới pháp luật.
“Để ngăn chặn sự lây lan của các phần mềm gian lận, chúng tôi đang làm việc với cơ quan thực thi pháp luật và văn phòng ở nước ngoài để thực hiện những hành động pháp lý mạnh mẽ trong và ngoài nước. Dưới đây là kết quả của các hành động pháp lý được thực hiện trong năm 2018 với sự hợp tác chặt chẽ cùng Tencent”, đội ngũ chống gian lận thông báo trên trang chủ.
Theo đó, chỉ riêng trong tháng 4/2018, hơn 141 người bị cảnh sát bắt giữ tại Nam Kinh (Trung Quốc). Vào tháng 10/2018, tiếp tục có thêm 34 người khác bị bắt tại Ôn Châu. Ngoài ra, có hơn 50 người khác bị bắt tại nhiều tỉnh thành khác.
Cảnh sát đã bắt hơn 200 người vì hành vi phát triển phần mềm gian lận. Ảnh: PUBG Corp |
Bên cạnh đó, đội ngũ này cũng cho biết rằng, họ đã xử lý khối lượng thông tin khổng lồ. Chỉ trong khoảng thời gian 3 tháng, từ ngày 23/8- 30/11/2018, nhóm đã phân tích 3 TB lịch sử trò chơi, hơn 60 nhật ký ván đấu và 10 triệu phiếu tố cáo hàng ngày.
Do đó, từ khi ra mắt hệ thống phản hồi vào tháng 8/2018, đã có 83% người chơi bị tố cáo sử dụng phần mềm gian lận bị cấm vĩnh viễn. Sự mạnh tay của đội ngũ này góp phần khiến PUBG ngày càng được siết chặt hơn và tình trạng người chơi hack giảm đi trông thấy.
Lượng thông tin gửi về nhà phát hành về vấn nạn hack là rất lớn. Ảnh: PUBG Corp |
Vấn nạn hack/cheat hoành hành khiến tựa game đã từng ở trên đỉnh vinh quang của ngành game tụt dốc một cách thảm hại và bị người hâm mộ quay lưng. Do đó, động thái cứng rắn trên của nhà phát hành sẽ giúp PUBG phần nào lấy lại niềm tin của người chơi.
Ngoài chính quyền Trung Quốc, PUBG Corp đang hợp tác với cảnh sát Hàn Quốc nhằm loại bỏ hack ở đất nước này. Nhà sản xuất hứa hẹn sẽ công bố kết quả điều tra trong thời gian sớm nhất.
Mặt khác, từ trước đến nay, Trung Quốc luôn được biết đến là “thiên đường” của phần mềm gian lận. Ngay cả tựa game đình đám hiện nay là Apex Legends đang xuất hiện các công cụ gian lận như Aim bot, hack wall (nhìn xuyên tường). Giá mỗi phần mềm này được rao bán từ 1-450 USD.