Ngày 15/3, hơn 200 công nhân của Công ty cổ phần thế giới gỗ Việt Nam, đóng tại khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc, Nghệ An đình công để đòi quyền lợi lao động. Đây là ngày thứ hai liên tiếp họ nghỉ làm để yêu cầu lãnh đạo công ty giải quyết các quyền lợi và chế độ lao động như lương, tiền tăng ca, bảo hiểm, phụ cấp độc hại…
Các công nhân cho biết quyền lợi của họ không được công ty đảm bảo, mặc dù đã kiến nghị nhiều lần.
Chị Nguyễn Thị Thanh (40 tuổi, ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đại diện cho các công nhân nghỉ việc cho biết, mức lương cơ bản của công nhân nữ là 2,5 triệu đồng/người/tháng còn công nhân nam là 3 triệu đồng/người/tháng. Nếu mỗi công nhân làm đủ 26 ngày mỗi tháng (trừ 4 ngày nghỉ chủ nhật) sẽ được ăn cơm trưa 20.000 đồng/suất.
Gần 200 công nhân đồng loạt nghỉ việc để đòi quyền lợi. Ảnh: P.H. |
Mỗi ngày họ phải làm việc 12 tiếng nhưng tiền tăng ca chỉ được hưởng 15% lương cơ bản.
Công ty cổ phần thế giới gỗ Việt Nam đóng tại khu C, khu công nghiệp Nam Cấm, Nghệ An bắt đầu hoạt động từ ngày 1/1/2015 có lĩnh vực hoạt động trong ngành sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép và ván mỏng khác.
Còn anh Hòa (27 tuổi, ở huyện Nghi Lộc) cho biết công ty hứa sau 3 tháng thử việc sẽ ký hợp đồng lao động, thế nhưng đến nay đã hơn một năm nhưng vẫn chưa được ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Công ty cũng chưa có tổ chức công đoàn, việc phản ánh của công nhân gặp nhiều khó khăn.
Ghi nhận của Zing.vn sáng nay tai công ty, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, khu công nghiệp Nam Cấm và công an huyện Nghi Lộc đã huy động lực lượng có mặt tại hiện trường để ổn định tình hình cũng như nắm bắt tâm tư, kiến nghị của công nhân.
Những công nhân làm việc tại công ty cho biết, theo lãnh đạo công ty, ngày 17/3 giám đốc người Ấn Độ sẽ có mặt đối thoại với công nhân nên họ buộc phải nghỉ việc để chờ đợi.
Trao đổi với Zing.vn, bà Trần Thị Nguyệt, Phó chủ tịch công đoàn Khu kinh tế Đông Nam cho biết do công ty mới đi vào sản xuất, chưa ổn định nên chưa thành lập tổ chức công đoàn. Hiện đơn vị mới chỉ ghi nhận phản ánh một chiều từ phía các công nhân chứ chưa làm việc với công ty.
Công đoàn khu kinh tế đã tập hợp 10 kiến nghị của công nhân chuyển cho công ty đồng thời yêu cầu đơn vị này nhanh chóng tổ chức đối thoại, giải quyết quyền lợi cho người lao động.