Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10 năm nay đặc biệt hơn cả với hơn 20 doanh nhân là thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ. Các thành viên đã cùng góp vốn để thành lập Công ty Cổ phần Nghị Lực Sống với mô hình doanh nghiệp xã hội, mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật và người yếu thế.
Buổi ra mắt doanh nghiệp xã hội diễn ra sáng 13/10 với sự tham gia của nhiều thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ. Đây là nhóm những doanh nhân có vị trí quan trọng ở hàng loạt doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Có thể kể đến ông Nguyễn Tuấn Hải (Chủ tịch Tập đoàn Alphanam), ông Đặng Hồng Anh (Phó chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công), ông Nguyễn Cảnh Hồng (Phó chủ tịch Eurowindow Holdings), bà Lưu Thị Thanh Mẫu (Tổng giám đốc Phúc Khang), ông Lê Phụng Thắng (Chủ tịch Citicom), Nguyễn Trung Chính (Chủ tịch CMC), Phạm Đình Đoàn (Chủ tịch Phú Thái), Nguyễn Đức Thạch Diễm (Tổng giám đốc Sacombank), Nguyễn Trung Vũ (Chủ tịch CEN Group)...
Lợi nhuận sẽ được đầu tư lại cho người yếu thế
Tiền thân của Công ty Cổ phần Nghị Lực Sống là Trung tâm Nghị Lực Sống, sáng lập bởi bà Nguyễn Thị Vân - một người khuyết tật nổi tiếng. Trung tâm trên từng hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ hòa nhập toàn diện cho người khuyết tật thông qua đào tạo nghề công nghệ thông tin và kỹ năng sống.
Bà Nguyễn Thị Vân mắc chứng teo cơ tủy sống từ nhỏ, sinh hoạt cá nhân phụ thuộc vào người khác, nhưng thích cực tham gia các hoạt động cộng đồng người khuyết tật Việt Nam.
Các doanh nhân sáng lập doanh nghiệp xã hội Công ty Cổ phần Nghị Lực Sống. Ảnh: LL. |
Công ty cam kết sử dụng phần lớn lợi nhuận để hỗ trợ người khuyết tật và người yếu thế, sử dụng tối đa nhân sự là người khuyết tật và người yếu thế. Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh đem lại lợi nhuận sẽ đầu tư trung tâm đào tạo, hướng nghiệp cho người khuyết tật và người yếu thế.
Buổi lễ ra mắt cũng công bố hội đồng quản trị và hội đồng cố vấn của công ty trong nhiệm kỳ đầu tiên. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 5 năm đầu tiên, Công ty Cổ phần Nghị Lực Sống - Doanh nghiệp xã hội sẽ quản lý vận hành khoảng 10-20 trung tâm Nghị Lực Sống và cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm đào tạo, nâng cao năng lực, hướng nghiệp và tạo việc làm cho người yếu thế. Sau đó sẽ mở rộng chuỗi trung tâm và cơ sở ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.
“Công ty sẽ nâng cao năng lực, hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật và người yếu thế một cách thiết thực, hiệu quả. Từ đó giúp người khuyết tật và người yếu thế có thể sống độc lập, tự chủ, hưởng thụ đầy đủ và công bằng tất cả quyền con người, tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng và xã hội”, bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nghị Lực Sống, cho biết.
Hiện Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên. Đây là nhóm người dễ bị tổn thương và chịu nhiều thiệt thòi trên tất cả phương diện đời sống xã hội.
Đặc biệt, số người khuyết tật có xu hướng tăng vì nhiều lý do khác nhau như già hóa dân số, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, di chứng chiến tranh…
Nhân rộng nhiều trung tâm trên cả nước
Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ, cho biết mỗi doanh nhân thành viên luôn mong muốn gắn sự phát triển của doanh nghiệp với sự phát triển của cộng đồng. Đặc biệt, doanh nghiệp khi phát triển thì luôn quan tâm đến trách nhiệm xã hội của mình.
Theo đó, một số thành viên trong CLB Doanh nhân Sao Đỏ đã có ý tưởng thành lập một doanh nghiệp xã hội dành riêng cho người khuyết tật, với mong muốn giúp đỡ cộng đồng này hòa nhập, đóng góp tích cực cho xã hội.
Ông Nguyễn Cảnh Hồng mong muốn mô hình sẽ giúp người khuyết tật tự lo được cho bản thân, đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Ảnh: LL. |
Ban đầu, số vốn góp của các thành viên sẽ được dùng để triển khai một số mô hình thí điểm, nơi đó giống như một cơ sở đào tạo và dạy nghề cho người khuyết tật. Sau khi được dạy nghề, người khuyết tật sẽ được trực tiếp tham gia quá trình sản xuất hoặc kinh doanh một số mặt hàng nhất định. Thậm chí, người khuyết tật có thể tham gia làm việc tại các doanh nghiệp của các doanh nhân CLB Sao Đỏ.
Khi mô hình hoàn thiện và tạo ra doanh thu, lợi nhuận sẽ được nhân rộng ra toàn quốc. Mục tiêu của Nghị Lực Sống là xây dựng khoảng 10-20 trung tâm trên toàn quốc trong những năm tới.
"Là một doanh nhân, chúng tôi luôn mong muốn đóng góp sức mình, tạo ra công ăn việc làm trong xã hội, đặc biệt là người yếu thế. Chúng tôi mong muốn sẽ giúp người khuyết tật có được 'cái cần câu' để tự nuôi sống bản thân và đóng góp nhiều hơn cho xã hội", ông Cảnh Hồng nói.
Chủ tịch Tập đoàn Alphanam Nguyễn Tuấn Hải cho biết Công ty Cổ phần Nghị Lực Sống có điểm thuận lợi là nhận được sự giúp đỡ và cố vấn của doanh nhân hàng đầu. Ngoài ra có thể tận dụng hệ sinh thái của các doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nhân Sao Đỏ. Ông mong muốn xây dưng các trung tâm không chỉ là nơi làm việc, mà còn là nơi ở và kết nối cộng đồng người khuyết tật.
Ông Hải cũng chia sẻ ý tưởng thành lập doanh nghiệp xã hội xuất phát từ sự quan sát của bản thân khi thấy rằng nhiều chương trình trợ giúp cho người khuyết tật và người yếu thế vẫn còn riêng lẻ, chưa hình thành một tổ chức cụ thể để vận hành dài hạn một cách có hệ thống và tối đa hóa hiệu quả.
"Thực tế, vướng mắc lớn nhất với người khuyết tật và người yếu thế là vấn đề việc làm. Do đó, việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật và người yếu thế là mô hình hiệu quả, thiết thực hiện nay. Với mô hình này, chúng tôi hy vọng lan tỏa thông điệp cho đi là nhận lại và để có nhiều hơn nữa những người yếu thế trong xã hội được hỗ trợ, được yêu thương”, ông nói.