Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hơn 2 tháng, giá thép giảm 11 lần liên tiếp

Từ giữa tháng 5 đến nay, giá thép trong nước có tới 11 lần giảm liên tiếp. Lũy kế hơn 2 tháng qua, giá mặt hàng này đã giảm khoảng 3,5-3,9 triệu đồng/tấn.

Mới đây, nhiều doanh nghiệp thép trong nước tiếp tục thông báo điều chỉnh giá bán mặt hàng này. Theo đó, thép Việt Đức, Hòa Phát, Kyoei, Việt Ý, Pomina... đồng loạt giảm giá trên toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây 150.000-310.000 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT).

Tại miền Bắc, thương hiệu thép Việt Đức điều chỉnh giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn với hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Mức giá của hai sản phẩm này hiện ở mức 15,25 triệu đồng/tấn và 16,01 triệu/tấn.

Tương tự, thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc cũng điều chỉnh giảm 310.000 đồng/tấn đối với thép CB240, xuống 15,38 triệu đồng/tấn; thép D10 CB300 giảm 150.000 đồng, xuống 16,24 triệu đồng/tấn. Tại miền Nam, Hòa Phát điều chỉnh giảm hai loại thép trên ở mức 150.000-310.000 đồng/tấn, xuống còn 15,48 triệu/tấn và 16,14 triệu đồng/tấn.

Bên cạnh đó, thép Việt Nhật tại miền Bắc cũng điều chỉnh giảm 310.000 đồng/tấn với thép CB240 và 200.000 đồng/tấn thép D10 CB300, lần lượt còn 15,6 triệu/tấn và 16,06 triệu đồng/tấn.

Với đợt giảm mới nhất, các mặt hàng thép trong nước đã ghi nhận lần giảm giá thứ 11 liên tiếp kể từ ngày 11/5, tổng mức giảm khoảng 3,5-3,9 triệu đồng/tấn tùy từng thương hiệu và loại thép. Với đợt giảm kéo dài này, mặt bằng giá thép cuộn CB240 hiện dao động 15,2-16,5 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 khoảng 15,7-16,9 triệu đồng/tấn.

GIÁ THÉP HÒA PHÁT MIỀN BẮC TRONG 3 THÁNG QUA

Nhãn 1/5 11/5 17/5 31/5 1/6 6/6 19/6 27/6 9/7 17/7 22/7 27/7
D10 CB300 triệu đồng/tấn 19.04 18.74 18.28 18.01 17.81 17.51 17 16.8 16.6 16.5 16.39 16.24
CB 240
18.94 18.63 17.83 17.46 17.25 16.95 16.65 16.5 16.24 15.99 15.69 15.38

Trong báo cáo tình hình thị trường thép 6 tháng đầu năm, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) thừa nhận thực tế sự sụt giảm nhu cầu thép là kết quả xu hướng lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhu cầu thép giảm đã tác động trực tiếp đến giá nguyên liệu đầu vào.

Trong tháng 6, giá nguyên vật liệu sản xuất thép biến động lớn, giá các loại quặng sắt, thép phế, than cốc hồi cuối quý II đã giảm 40-50% so với hồi quý trước.

Do chịu sự tác động của giá thép trên thị trường thế giới và trong nước giảm mạnh, các doanh nghiệp sản xuất phải đối mặt với việc giảm doanh thu và lợi nhuận.

Đơn cử, trong quý II, chỉ tiêu lợi nhuận của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) lao dốc 59% so với cùng kỳ về 4.023 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ quý IV/2020 đến nay do chi phí đầu vào cao và giá bán liên tục sụt giảm.

Cộng dồn kết quả 2 quý đầu năm, Hòa Phát ghi nhận doanh thu tăng 23% lên 82.118 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 27% so với cùng kỳ về 12.229 tỷ đồng. Doanh nghiệp theo đó hoàn thành 51% tiến độ doanh thu và 41-49% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tương tự, ngày 28/7, Tổng công ty thép Việt Nam cũng công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II với lợi nhuận sau thuế lỗ 31 tỷ đồng, giảm 657 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Theo Bộ Xây dựng, thị trường vật liệu xây dựng trong thời gian tới vẫn còn nhiều biến động. Với mặt hàng thép, các doanh nghiệp sản xuất trong ngành này đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Việc thiếu chủ động nguyên liệu trong bối cảnh giá thép thế giới biến động bất thường bởi các căng thẳng kinh tế, thương mại khiến giá loại vật liệu này luôn biến động theo giá thép thế giới.

Lợi nhuận Hòa Phát lao dốc gần 60%

Đại gia thép vẫn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tốt nhưng hiệu quả lợi nhuận đi xuống nghiêm trọng do chi phí đầu vào cao và giá bán liên tục sụt giảm.

Giá thép giảm 10 lần liên tiếp

Trong đợt điều chỉnh giá mới nhất, mỗi tấn thép trong nước tiếp tục giảm thêm tới 310.000 đồng. Từ giữa tháng 5 đến nay, giá mặt hàng này đã giảm 10 lần liên tiếp.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm