Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lợi nhuận Hòa Phát lao dốc gần 60%

Đại gia thép vẫn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tốt nhưng hiệu quả lợi nhuận đi xuống nghiêm trọng do chi phí đầu vào cao và giá bán liên tục sụt giảm.

Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với doanh thu vẫn tăng 6% so với cùng kỳ, lên mức 37.714 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận của tập đoàn này lại lao dốc 59% so với cùng kỳ về 4.023 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ quý IV/2020 đến nay.

Hòa Phát cho biết thị trường nguyên liệu trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp do cuộc xung đột Nga - Ukraine nhưng doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất ổn định, đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sản lượng bán hàng phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng quý II/2022 đạt 1,8 triệu tấn, trong đó có gần 380.000 tấn thép xây dựng xuất khẩu. Tiêu thụ ống thép, tôn mạ lần lượt đạt 159.000 và 75.000 tấn. Hòa Phát cho biết tập đoàn vẫn duy trì vị thế dẫn đầu về thị phần thép xây dựng (36,2%) và ống thép (28,8%).

Thực tế, kết quả suy giảm lợi nhuận của ngành thép đã được Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long nêu ra trong kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên của Hòa Phát trước đó. Vị này cho rằng ngành thép sẽ gặp khó khăn trong năm nay, kết quả quý II và III sẽ "thê thảm" nên chỉ đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng.

Vị tỷ phú USD từng chỉ ra nguyên nhân cho việc đặt kế hoạch kinh doanh năm nay ở mức thấp là do giá nguyên vật liệu tăng mạnh sau xung đột Nga - Ukraine, nhất là giá than luyện coke (nguyên liệu chính cho sản xuất thép) tăng 100-200 USD/tấn.

Tiếp đến là chính sách zero Covid của Trung Quốc khiến cho nhu cầu thép giảm. Trung Quốc hiện chiếm đến 60% sản lượng tiêu thụ thép của thế giới nên khi đất nước tỷ dân này phong tỏa, nhu cầu thực tế đã đi xuống rõ rệt.

KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA HÒA PHÁT

NhãnQuý I/2020Quý IIQuý IIIQuý IVQuý I/2021Quý IIQuý IIIQuý IVQuý I/2022Quý II
Lãi sau thuế Tỷ đồng 23052756378546617006974510351741982064023

Tính từ đầu năm, Hòa Phát đã sản xuất 4,3 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với cùng kỳ. Công tác tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt gần 4 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ.

Trong đó, thép xây dựng tiêu thụ 2,38 triệu tấn, tăng 29% so với nửa đầu năm 2021. Bán hàng HRC ghi nhận 1,4 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ. Sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép, tôn mạ đạt lần lượt 377.000 tấn và 180.000 tấn, tương đương mức tiêu thụ nửa đầu năm ngoái.

Các lĩnh vực khác cũng hoạt động theo đúng kế hoạch quý với nông nghiệp đóng góp 4% doanh thu chung. Mảng bất động sản gần đây được chấp thuận chủ trương đầu tư mở rộng Khu công nghiệp Yên Mỹ II thêm 216ha. Ngành điện máy gia dụng dự kiến cung cấp cho thị trường một số dòng sản phẩm mới như máy lọc nước, máy lọc không khí… kể từ quý III.

Các dự án lớn như Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, dự án khai thác mỏ quặng sắt tại Úc, Nhà máy sản xuất vỏ container tại Bà Rịa-Vũng Tàu, trung tâm sản xuất hàng gia dụng tại Hà Nam… đang được đẩy nhanh tiến độ.

Trong đó, dự án hàng điện máy gia dụng, vỏ container sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên trong quý III-IV năm nay. Dự kiến khi dự án Dung Quất 2 hoàn thành vào năm 2025, Hòa Phát sẽ lọt top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.

Tập đoàn thép đầu ngành đặt mục tiêu doanh thu năm nay là 160.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 25.000-30.000 tỷ đồng. Các con số này đạt mức tăng gần 7% về mặt doanh thu nhưng giảm từ 13% đến 27,5% về lợi nhuận.

Cộng dồn kết quả 2 quý đầu năm, Hòa Phát ghi nhận doanh thu tăng 23% lên 82.118 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 27% so với cùng kỳ về 12.229 tỷ đồng. Doanh nghiệp theo đó hoàn thành 51% tiến độ doanh thu và 41-49% chỉ tiêu lợi nhuận.

Trong nửa đầu năm, ông lớn ngành thép này cũng nộp vào ngân sách Nhà nước gần 7.400 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021 và thậm chí vượt xa số nộp của cả năm 2020.

Giá thép giảm 10 lần liên tiếp

Trong đợt điều chỉnh giá mới nhất, mỗi tấn thép trong nước tiếp tục giảm thêm tới 310.000 đồng. Từ giữa tháng 5 đến nay, giá mặt hàng này đã giảm 10 lần liên tiếp.

Vốn hóa các ông lớn ngành thép 'bốc hơi' 100.000 tỷ đồng

Cổ đông ngành thép chứng kiến tài sản bốc hơi nhanh khi vốn hóa mất hơn 4 tỷ USD, triển vọng và kết quả kinh doanh đang dần phản ánh các tín hiệu tiêu cực.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm