UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ra thông báo đưa kết luận chính thức của lãnh đạo UBND tỉnh sau buổi làm việc với đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), nhà đầu tư, các đơn vị liên quan trong buổi nghe báo cáo hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt vào đầu tháng 1/2019.
Theo đó, dự án do nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đề xuất, thực hiện theo hình thức PPP (BOT kết hợp BT).
Điểm đầu của dự án từ ga Tháp Chàm (Ninh Thuận) và điểm cuối là ga Đà Lạt (Lâm Đồng) sẽ được khôi phục dựa trên cơ sở tuyến đường sắt cũ, tổng chiều dài 84 km, với các tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự như tuyến đường được xây dựng và khai thác trước đây.
Dự án có quy mô quốc gia với kinh phí trên 10.000 tỷ đồng, thẩm quyền phê duyệt của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GTVT.
Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt dự kiến được phục hồi với kinh phí hơn 10.000 tỷ đồng. Ảnh: T.N. |
UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công ty Bạch Đằng tiếp thu ý kiến của Cục Đường sắt Việt Nam, Ban PPP và các sở, ngành, địa phương 2 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, báo cáo Bộ GTVT trình Chính phủ và Quốc hội xin chủ trương đầu tư theo quy định.
Tỉnh Lâm Đồng giao các sở, ngành và địa phương thuộc tỉnh nghiên cứu kỹ hồ sơ tiền khả thi của dự án để tham mưu UBND tỉnh văn bản góp ý với cơ quan có thẩm quyền và hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình lập hồ sơ.
Đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được người Pháp xây dựng từ năm 1908 đến năm 1932 thì hoàn thành. Trên toàn tuyến có 12 nhà ga, 5 hầm chui (tổng chiều dài 1.090 m). Toàn tuyến có 2 đoạn phải sử dụng đường ray răng cưa dài gần 14 km vượt đèo.
Từ năm 1968 tuyến đường sắt này ngừng khai thác và đến năm 1975 được khởi động lại nhưng chỉ chạy được 7 chuyến thì dừng hoạt động.
Năm 1986, toàn bộ đường ray, tà vẹt trên tuyến đường này bị tháo gỡ, các đầu tàu chuyên dụng dùng để leo đèo sau đó cũng bị bán cho một doanh nghiệp của Thụy Sỹ.