Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hơn 10.000 km đường quá hạn không có tiền bảo trì

Hiện còn khoảng trên 10.000 km đường đã quá thời hạn trung tu và đại tu mà không có kinh phí.

Thông tin tại Hội nghị sơ kết hoạt động Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương quý I tổ chức ngày 19/4, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết từ năm 2013 đến nay, nguồn vốn bảo trì đường bộ mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Hiện còn khoảng trên 10.000 km đường đã quá thời hạn trung tu và đại tu mà không có kinh phí.

Cần trên 360.000 tỷ bảo trì đường bộ trung hạn

Về nguốn vốn bảo trì trung hạn, ông Huyện cho biết hiện mạng lưới quốc lộ có 146 tuyến với tổng chiều dài trên 23.000 km được duy tu, sửa chữa bằng nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ.

“Nguồn vốn bảo trì đường bộ còn thiếu, trước năm 2013 chỉ đáp ứng được 25-30% nhu cầu vốn tối thiểu. Từ năm 2013 đến nay mới đáp ứng được khoảng 40%.

Tình trạng này kéo dài dẫn đến công tác bảo trì không được thực hiện đầy đủ, việc sửa chữa đường phải thụ động, hỏng đâu sửa đó”, ông Huyện nói và cho biết đến nay có khoảng trên 10.000 km đường đã quá thời hạn sửa chữa trung tu và đại tu.

duong qua han khong co tien bao tri anh 1
Thi công sửa chữa mặt đường quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An do Cục Quản lý đường bộ II quản lý.

Về nhu cầu vốn, ông Huyện cho biết Tổng cục đã xây dựng nhu cầu vốn bảo trì trung hạn 10 năm tới, giai đoạn 2019-2030 bảo trì đúng theo quy định, tổng nhu cầu vốn sẽ cần trên 360.000 tỷ đồng. Số liệu này được xây dựng trên cơ sở các tiêu chuẩn, định mức hiện hành, trong đó có tính cả hệ số trượt giá.

Theo ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, tính đến ngày 31/3 nguồn thu quỹ đạt trên 1.800 tỷ đồng, bằng 121% so với cùng kỳ 2017 và đạt trên 28% kế hoạch thu cả năm 2018. Trung bình một ngày thu trên 28 tỷ đồng.

Về công tác giải ngân, ông Minh cho biết Hội đồng đã giao toàn bộ kinh phí cho các đơn vị sử dụng theo đúng tỷ lệ vốn giao đợt I/2018, đạt tỷ lệ 100% vốn giao từ Bộ Tài chính và bằng 25% dự toán giao của năm 2018. Hiện các đơn vị đã giải ngân được trên 1.400 tỷ đồng, đạt khoảng 70% vốn được giao.

Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương Nguyễn Văn Thể yêu cầu làm rõ nhu cầu và khả năng nguồn vốn đáp ứng bảo trì được bao nhiêu. Cần báo cáo bức tranh tổng thể về bảo trì đường bộ theo từng quý và cả năm, kế hoạch công trình xây dựng trong từng quý là bao nhiêu dự án; duy tu sửa chữa thường xuyên là bao nhiêu; trong quý đã làm được gì; vốn kế hoạch đáp ứng được bao nhiêu nhu cầu để có phương hướng thực hiện.

“Với trên 23.000 km quốc lộ, còn bao nhiêu kilomet và bao nhiêu mét vuông cần duy tu, sửa chữa nhưng do không đủ vốn nên chỉ sửa chữa được theo kế hoạch, còn lại bao nhiêu kilomet hư hỏng chưa sửa chữa được vì không có tiền. Phải để xã hội biết rõ nhu cầu bảo trì đường bộ lớn nhưng nguồn vốn không đáp ứng yêu cầu”, Bộ trưởng nói.

Tháng 6 báo cáo Chính phủ Đề án nhu cầu vốn bảo trì đường bộ

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết đây là năm chuyển tiếp trong quản lý quỹ, giữa quy chế hoạt động quỹ hiện nay với quy chế mới theo Luật Ngân sách phát sinh một số vấn đề cần giải quyết. “Sau khi quỹ được hòa vào ngân sách và phân bổ theo ngân sách, phải làm sao để thực hiện nhanh gọn, dễ dàng và quản lý tốt nhất”, Thứ trưởng Thọ nói.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, việc điều hành kế hoạch năm 2018 của quỹ còn tồn tại từ giao vốn, chuẩn bị đầu tư, tổ chức đấu thầu, giải ngân.

“Quý I, Tổng cục Đường bộ VN được bố trí trên 3.000 tỷ nhưng mới giải ngân được gần 2.000 tỷ, rõ ràng quá yếu kém. Nếu quý II vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng này, Tổng cục trưởng Đường bộ phải chịu trách nhiệm, địa phương nào chậm, địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Về kế hoạch vốn năm 2019, tới tháng 10 phải trình Quốc hội nhu cầu vốn, muốn trình được phải có đủ danh mục dự án chuẩn bị đầu tư để Quốc hội thông qua nguồn vốn có thể triển khai thi công kịp điều kiện thời tiết thuận lợi”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng, năm nay khả năng lớn sẽ vượt thu, bình quân sẽ tăng khoảng 25%, đối với số tiền vượt thu này, cần báo cáo Chính phủ theo hướng do nhu cầu vốn chưa đáp ứng yêu cầu và xin cộng vào nguồn vốn năm 2019 để đáp ứng yêu cầu bảo trì đường bộ.

Về xây dựng đề án nhu cầu vốn bảo trì đường bộ, Bộ trưởng yêu cầu đây là việc làm cần thiết nên phải thực hiện nghiêm túc.

“Đề án phải bám sát thực tiễn cung cấp bức tranh tổng thể về bảo trì. Bên cạnh đó, đối với đường địa phương cũng phải lập đề án trên hệ thống đường địa phương. Nếu không làm việc này việc bố trí tiền bảo trì sẽ rất khó khăn. Đề án phải báo cáo Chính phủ vào tháng 6 này”, Bộ trưởng chỉ đạo.


http://www.baogiaothong.vn/hon-10-nghin-km-duong-qua-han-khong-co-tien-bao-tri-d252846.html

Theo Trần Duy/Giao Thông

Bạn có thể quan tâm