Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hơn 100 tàu Trung Quốc vẫn bám trụ quanh giàn khoan 981

Ngày 3/6, Trung Quốc vẫn duy trì 35 - 40 tàu Hải cảnh; 30 tàu vận tải và tàu kéo; 40 - 45 tàu cá; 2 tàu quét mìn, 2 tàu hộ vệ tên lửa, 2 máy bay quanh khu vực giàn khoan.

Thông tin về diễn biến quanh khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, Cục Kiểm ngư cho biết, tàu của lực lượng này vẫn hoạt động đấu tranh với cường độ cao ở cách giàn khoan 7 - 8 hải lý để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển Việt Nam.

Tuy nhiên, khi các tàu kiểm ngư tiến vào cách giàn khoan 7 - 8 hải lý, các tàu Trung Quốc tập hợp thành nhóm 35 - 45 tàu ngăn cản quyết liệt các tàu kiểm ngư. Lực lượng chấp pháp của Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ đấu tranh.



Các tàu Trung Quốc tổ chức thành từng nhóm để ngắn cản lực lượng Việt Nam.

Còn các tàu cá Việt Nam vẫn đánh bắt thủy sản và đấu tranh đòi ngư trường, phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong khu vực phía Tây Nam, cách giàn khoan 18 - 20 hải lý. Dù thường xuyên bị 35 - 40 tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc ngăn cản, uy hiếp nhưng ngư dân vẫn quyết tâm bám biển.

"Tinh thần của lực lượng kiểm ngư và ngư dân vẫn rất tốt và kiên cường bám trụ vùng biển Việt Nam", Cục Kiểm ngư nhấn mạnh.

Trong khi đó, Trung Quốc duy trì khoảng 110 - 115 tàu, trong đó có 35 - 40 tàu Hải cảnh; khoảng 30 tàu vận tải và tàu kéo; 40 - 45 tàu cá; 4 tàu quân sự gồm 2 tàu quét mìn và 2 tàu hộ vệ tên lửa. Các tàu quân sự thả trôi cách khu vực giàn khoan 18 - 25 hải lý. Ngoài ra, còn có 1 máy bay cánh bằng và 1 máy bay quân sự KG 2000 làm nhiệm vụ trinh sát trên khu vực giàn khoan.

Trong ngày, Cục Kiểm ngư cho biết đã tiếp nhận hỗ trợ của cộng đồng người Việt tại Ba Lan 150 triệu đồng; Đảng bộ Ngoài nước 50 triệu đồng.

5h22 ngày 1/5/2014, Cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu Hai Yang Shi You 981 (Việt Nam gọi là Hải Dương 981) và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam.

Đến 16h ngày 2/5, giàn khoan Hải Dương 981 được thả trôi tại toạ độ 15o29’58’’ vĩ Bắc - 111o12’06’’ kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý.

Trung Quốc huy động hàng trăm tàu bảo vệ, máy bay... đến vùng biển này để ngăn cản tàu chấp pháp của Việt Nam tới tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan.

Sau gần 1 tháng neo đậu ở vị trí đầu tiên, ngày 27/5, giàn khoan 981 của Trung Quốc đã di chuyển về phía Đông Đông Bắc và neo ở vị trí mới cách đảo Tri Tôn về hướng Đông Đông Nam 25 hải lý, cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng Đông Đông Bắc, cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý. So với vị trí ban đầu, giàn khoan này đã di chuyển hơn 40 km.

Chưa đầy 1 tuần sau khi di chuyển đến vị trí mới, giàn khoan 981 lại có dấu hiệu dịch chuyển trên hệ thống định vị. Các cơ quan chức năng cho rằng, đó là sự dịch chuyển kỹ thuật, do giàn khoan chưa thực sự ổn định.

Nguyễn Vũ

Bạn có thể quan tâm