Hầu hết người ký tên là đảng viên Cộng hòa, theo AP. Điều này cho thấy khoảng 1/4 Hạ viện Mỹ tin rằng Tòa án Tối cao nên vô hiệu hóa kết quả bầu cử ngày 3/11.
Các nghị sĩ Cộng hòa tập trung bên ngoài trụ sở quốc hội khẳng định sự ủng hộ với vụ kiện của bang Texas. Ảnh: AFP. |
Trong một bản đệ trình ngày 10/12, các đảng viên Cộng hòa trong Hạ viện tuyên bố “những hành vi vi hiến” đang “làm dấy lên mối nghi ngờ” về kết quả bầu cử năm 2020 và “tính toàn vẹn của hệ thống bầu cử Mỹ”.
Dù không ký vào đơn kiện của bang Texas, Tổng chưởng lý Steve Marshall của bang Alabama vẫn mong Tòa án Tối cao “nhanh chóng” xử lý vụ kiện và quyết định này sẽ “hướng dẫn” bang Alabama cách đảm bảo tính toàn vẹn bầu cử.
Ban đầu, đơn kiện được Tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton đệ trình lên Tòa án Tối cao.
Trong đó, bang Texas cáo buộc 4 bang chiến trường Pennsylvania, Michigan, Georgia và Wisconsin có liên quan đến “những điểm bất thường trong việc bỏ phiếu”, “sửa luật bầu cử tiểu bang” và thậm chí có khả năng phân biệt đối xử với cử tri.
Cả 4 bang chiến trường nói trên đều đã công nhận ông Joe Biden là tổng thống đắc cử, sau khi tổ chức kiểm phiếu lại theo yêu cầu của phe ông Trump.
Đến nay, Tổng thống Donald Trump và các đồng minh chưa chứng minh được tình trạng gian lận bầu cử trên diện rộng.
Các chuyên gia luật bầu cử nhận định vụ kiện ở bang Texas sẽ sớm bị bãi bỏ.
“Tòa án Tối cao đã từ chối yêu cầu của Tổng thống Donald Trump và không hủy bỏ kết quả bầu cử. Vụ kiện Texas cũng không thể thay đổi lập trường này”, giáo sư luật Rick Hasen từ Đại học California, Irvine, bày tỏ ý kiến trên Twitter.