Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy đến hết ngày 18/8, cả nước có 60 tỉnh, thành phố giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động. 3 địa phương khác không có đối tượng trong diện hỗ trợ là Lai Châu, Điện Biên và Cao Bằng.
Theo đó, các địa phương đã tiếp nhận tổng số trên 4,1 triệu hồ sơ đề nghị được hỗ trợ. Trong số này, trên 2,8 triệu đối tượng đã được phê duyệt. Tuy nhiên, mới chỉ có hơn 1,6 triệu lượt người lao động nhận được khoản hỗ trợ này.
Về kinh phí, tổng số tiền được đề nghị duyệt chi là khoảng 2.800 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân trên 1.140 tỷ đồng. Trong khi đó, gói này dự kiến tung ra 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Như vậy, dù thời hạn nộp hồ sơ đã kết thúc vào ngày 15/8, mức giải ngân mới chỉ đạt 1/6 so với kế hoạch ban đầu. Kể cả tính thêm gần 1.700 tỷ đồng đang chờ duyệt chi, con số giải ngân được vẫn là quá thấp.
Kể từ ngày 28/3, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, khu chế xuất có thể được hỗ trợ tiền thuê nhà từ 500.000 đến một triệu đồng/tháng và hỗ trợ tối đa 3 tháng. Ảnh: Thạch Thảo. |
Trong số các địa phương, TP.HCM là nơi có lượng hồ sơ được phê duyệt hỗ trợ bằng một nửa tổng số hồ sơ trên cả nước với hơn 1,7 triệu lượt người.
Tại Bình Dương, gần 810.000 lượt người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đề nghị được hỗ trợ tiền thuê nhà. Địa phương đã phê duyệt cho 750.000 người nhưng cũng mới chỉ giải ngân cho hơn 158.000 lượt.
Trong khi đó, Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết tính đến hết ngày 13/8, thành phố đã chi trả kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 215.000 người lao động với tổng số tiền gần 112 tỷ đồng.
Trước đó, Thủ tướng đã có 4 lần đốc thúc Bộ LĐTB&XH đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động được tung ra từ hồi tháng 3, sau 4 tháng triển khai nhỏ giọt và tiến độ giải ngân của các địa phương ì ạch.
Theo Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, nguyên nhân tỷ lệ giải ngân còn thấp là các địa phương chưa nhận thức đúng và chưa coi trọng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Ngoài ra, một số nơi phát sinh thủ tục không đúng quy định khi yêu cầu doanh nghiệp phải xuất trình cả giấy phép kinh doanh hay đề nghị người lao động có giấy đăng ký tạm trú, tạm vắng... Cá biệt, một số nơi còn phải đưa qua HĐND duyệt danh sách hỗ trợ.
Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cho biết tình trạng trên xảy ra do một số địa phương sợ trách nhiệm, sợ sai nên dẫn đến phát sinh thủ tục.