Tốc độ thất thủ của Homs thực sự gây kinh ngạc. Ảnh: Reuters. |
Quân đội Syria đã rút khỏi thành phố Homs ở miền Trung nước này trước cuộc tấn công của quân nổi dậy vào đêm 7/12, cắt đứt thủ đô Damascus khỏi các thành trì ven biển của Tổng thống Bashar al-Assad trong bối cảnh cuộc tấn công chớp nhoáng đã đưa các phe phái nổi dậy đến sát cửa ngõ thủ đô.
Các video cho thấy lực lượng quân đội Syria rút khỏi các nhánh an ninh ở Homs khi quân nổi dậy do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu tiến vào ranh giới thành phố.
Chỉ huy HTS Hassan Abdul-Ghani cho biết quân nổi dậy đang tiến hành "chiến dịch rà soát" tại các khu phố trong thành phố để tìm bất kỳ binh lính Syria nào còn sót lại.
Tốc độ thất thủ của Homs thực sự gây ngạc nhiên. Quân đội Syria được kỳ vọng sẽ bảo vệ thành phố này - vốn được đánh giá là một tài sản chiến lược của chính phủ Syria, liên kết thành phố này với Tartus và Latakia - những tỉnh vốn theo truyền thống ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Bước tiến đánh kể này của quân nổi dậy diễn ra chỉ một tuần sau khi phiến quân Hồi giáo do HTS dẫn đầu chiếm lại Aleppo ở miền Bắc Syria, thúc đẩy các phe phái phiến quân trên khắp Syria nổi dậy chống lại quân đội chính phủ vốn không có nhiều sự kháng cự.
Khi lực lượng phiến quân chiếm Homs, các phe phái đối lập cũng tiếp tục tiến về phía Damascus.
Trước đó vào ngày 7/12, các phe phái đối lập ở các tỉnh phía nam Daraa và Sweida đã đánh bại lực lượng chính phủ và giành quyền kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn của các quận.
Vào ban đêm, các chiến binh đối lập đã tiến vào Daraya, chỉ cách trung tâm thủ đô 8 km. Trong khi đó, ở phía đông Damascus, các thành viên của Quân đội Syria Tự do đã giành quyền kiểm soát thành phố cổ Palmyra.
Với sự sụp đổ của Homs vào tay quân nổi dậy, chính quyền Syria đã bị bao vây ở Damascus. Các lực lượng đối lập đang tiến về thủ đô từ phía bắc, phía nam và phía đông nước này.
Đường cao tốc nối Damascus với Tartus và Latakia vốn chạy qua Homs - hiện đã bị lực lượng nổi dậy cắt đứt.
Các lực lượng đối lập đang tiến về thủ đô Syria từ phía bắc, phía nam và phía đông nước này. Ảnh: Reuters. |
Chính phủ nước láng giềng Iraq cho biết 2.000 binh lính Syria đã chạy qua biên giới.
Al Jazeera phát cảnh quay xe tăng Syria và các phương tiện quân sự khác chở đầy binh lính vượt biên vào Iraq.
Nga và Iran, những nước hỗ trợ quân sự và tài chính chủ chốt cho chính quyền Assad trong suốt cuộc nội chiến Syria năm 2011, dường như không còn mặn mà trợ giúp đồng minh trong chiến dịch nổi dậy bắt đầu vào tuần trước.
Hezbollah, nhóm ủng hộ Iran có các chiến binh từng tăng cường hàng ngũ cho quân đội Syria, đã không thể gửi một số lượng lớn chiến binh đến giúp đỡ sau những thất bại nặng nề gần đây trước Israel.
Trong một cuộc phỏng vấn với phương tiện truyền thông Iraq hôm 6/12, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cho biết, mặc dù "lực lượng kháng chiến sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình" nhưng không thể dự đoán được số phận của ông Assad.
Tương tự, Tổng thư ký Hezbollah Naim Qassem nói hôm 5/12 rằng nhóm này sẽ sát cánh cùng ông Assad, nhưng vẫn chưa cung cấp sự hỗ trợ cho nhà lãnh đạo.
Nếu không có sự hỗ trợ đáng kể của không quân Nga và sự tiếp viện của Hezbollah, lực lượng Syria dường như đã tan rã trước sự tiến công của quân nổi dậy.
Các thủ lĩnh quân nổi dậy đang kêu gọi lực lượng chính phủ đào ngũ thay vì chiến đấu.
"Các cuộc đụng độ chỉ giới hạn ở một vài điểm để gây sức ép buộc lực lượng chính phủ đầu hàng, với sự đảm bảo họ sẽ được an toàn và nhấn mạnh rằng cuối cùng, tất cả đều là con của một quốc gia", Yasser al-Mikdad, một chỉ huy của Giải phóng Damascus - tổ chức chung cho các lực lượng đối lập ở miền Nam Syria, cho biết.
Ông nói rằng quân nổi dậy đã chiếm giữ thị trấn Moadamiya hôm 7/12 ở vùng nông thôn phía tây Damascus. Vị chỉ huy cho hay hầu hết lực lượng chính phủ đã rút lui trước khi quân nổi dậy tiến vào khu vực này, chỉ để lại 70 binh sĩ.
"Các nhóm của chúng tôi đã được chỉ thị không được giao chiến với họ và cố gắng thuyết phục họ đầu hàng để tránh đổ máu", Mikdad cho biết.
Tại các khu vực mới chiếm được, quân nổi dậy đang tổ chức ăn mừng chiến thắng, các video cho thấy những bức tượng của cố Tổng thống Syria Hafez al-Assad bị lật đổ, và đầu của một bức tượng bị buộc vào xe máy và kéo lê trên đường.
Trong một số, cảnh sát của chính quyền cởi bỏ đồng phục giữa đường và mặc thường phục bỏ đi.
Khi quân nổi dậy tràn vào các thị trấn và thành phố, họ mở cửa các nhà tù của chính phủ và phóng thích tù nhân.
Vị trí Homs và các thành phố chủ chốt khác ở Syria. Đồ họa: BBC. |
Tại Damascus, người dân mô tả cảnh tượng hoảng loạn giữa sự bất ổn về số phận của chính phủ Syria khi quân nổi dậy gõ cửa thủ đô.
Jana, một cư dân Damascus nói: "Những người có nơi cư trú tại Lebanon đang rời đi, rất nhiều người đang chạy trốn. Bản thân chúng tôi, chúng tôi có thể rời đi, nhưng mọi thứ đang diễn ra quá nhanh. Có thể chúng tôi bắt đầu chuẩn bị và thu dọn đồ đạc rồi đi, và có thể có chuyện gì đó xảy ra và chúng tôi bị mắc kẹt, không có gì rõ ràng cả".
Truyền thông nhà nước Syria phủ nhận tin đồn ông Assad đã chạy trốn khỏi thủ đô.
“Phủ tổng thống nước Cộng hòa Ả Rập Syria xác nhận rằng Tổng thống đang tiếp tục công việc và nhiệm vụ quốc gia và hiến pháp của mình từ thủ đô Damascus”, văn phòng của ông Assad cho biết trong một tuyên bố hôm 7/12.
Diễn biến nhanh chóng mặt của các sự kiện ở Syria và sự không chắc chắn về số phận của chính phủ nước này đã khiến thế giới choáng váng và đặt ra câu hỏi về hậu quả địa chính trị.
Tổng thống Assad là đồng minh chủ chốt của Hezbollah và là bên hỗ trợ quan trọng cho nhóm này.
Những người tham gia tiến trình Astana - một sáng kiến hòa bình tập trung vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria - đã kêu gọi chấm dứt xung đột ở Syria khi kết thúc cuộc họp của nhóm tại Doha vào tối t7/12.
Trong một tuyên bố chung, hội nghị kêu gọi "tất cả các bên tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria".
Hàng triệu người Syria chạy trốn khỏi bạo lực cũng đang nóng lòng theo dõi sự tiến triển của quân nổi dậy, chờ đợi xem liệu họ có thể trở về đất nước một cách an toàn sau hơn 13 năm lưu vong hay không.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...