Lực lượng nổi dậy Syria đã chiếm được vùng lãnh thổ rộng lớn chỉ sau hơn một tuần tấn công. Ảnh: Anadolu. |
Lebanon hôm 6/12 tuyên bố đóng cửa toàn tuyến biên giới trên bộ với Syria - trừ cửa khẩu kết nối Beirut và Damacus. Israel tuyên bố sẽ củng cố lực lượng tại Cao nguyên Golan - khu vực nước này chiếm đóng của Syria từ cuộc chiến Israel - Arab năm 1967, theo New York Times.
Jordan cũng đóng cửa một cửa khẩu với Syria vào hôm 6/12 sau khi lực lượng nổi dậy chiếm được vùng lãnh thổ phía bên kia biên giới, Bộ Nội vụ Jordan cho biết.
Trong khi đó, Iran đã phát lệnh sơ tán tại Đại sứ quán nước này ở Damascus và các căn cứ của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Các công dân Iran đã bắt đầu được đưa về nước từ hôm 6/12.
Hàng loạt quốc gia - bao gồm Mỹ và Nga - cũng đã khuyến cáo công dân rời khỏi Syria khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động.
Cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy tại Syria đã phá vỡ thế bế tắc kéo dài nhiều năm của cuộc nội chiến. Tuy nhiên, nó cũng khiến người dân Trung Đông lo ngại về viễn cảnh tình hình khu vực thêm mất ổn định, nhất là khi cuộc xung đột tại Gaza vẫn chưa kết thúc.
Tiến công thần tốc
Chỉ trong vòng hơn một tuần, lực lượng nổi dậy tại Tây Bắc Syria do nhóm vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn dắt đã chiếm giữ các thành phố lớn như Aleppo và Hama cũng như giành quyền kiểm soát các khu vực rộng lớn tại bốn tỉnh Tây Bắc Syria. Trong khi đó, quân đội chính phủ dường như không mấy kháng cự.
Giờ đây, chiến tuyến đang là thành phố Homs - nơi có vị trí chiến lược quan trọng, kết nối vùng Tây Bắc và khu vực thủ đô Damascus ở phía Nam.
Trong khi đó, lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria cũng đã giành quyền kiểm soát thành phố miền Đông Deir al-Zour sau khi quân đội chính phủ rút lui.
Ngoài HTS và lực lượng người Kurd, một số lực lượng khác cũng đang tận dụng cơ hội để kiểm soát thêm lãnh thổ từ tay quân chính phủ. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho biết thành phố Sweida ở phía Nam Damascus đã không còn do lực lượng chính phủ kiểm soát.
Các quan chức Mỹ dường như cũng bất ngờ trước tốc độ tiến quân của lực lượng nổi dậy, New York Times cho biết, do họ đánh giá chính phủ Syria vẫn kiểm soát Aleppo tương đối vững chắc. Giới chức Mỹ đánh giá phe nổi dậy đã nhanh chóng tận dụng trạng thái hỗn loạn do cuộc tấn công gây ra và đạt được thành công ngoài mong đợi.
Nếu để mất Homs, chính phủ Syria sẽ phải đối mặt với nguy cơ lớn. Homs là giao điểm của hàng loạt tuyến giao thông quan trọng tại Syria - bao gồm một con đường dẫn tới Damascus. Nếu mất Homs, quân chính phủ sẽ mất đi vùng đệm quan trọng giữa vùng lãnh thổ do phe nổi dậy chiếm đóng phía Tây Bắc và Damascus ở phía Nam.
Sau khi rút khỏi Hama, quân đội Syria ra tuyên bố giải thích cho quyết định của mình, cho rằng họ muốn tránh các trận chiến có thể gây nguy hiểm cho người dân. Giới chuyên gia đánh giá việc “hy sinh” Hamas sẽ giúp lực lượng chính phủ có thêm quân để củng cố các mục tiêu quan trọng hơn như Homs.
Lực lượng nổi dậy Syria tại Aleppo, thành phố lớn đầu tiên thất thủ trong cuộc tấn công lần này. Ảnh: Anadolu. |
Lo ngại bất ổn
Cuộc tấn công của phe đối lập diễn ra khi các đồng minh chủ chốt của ông al-Assad đều đang có những mối lo của riêng mình: Với Nga là cuộc xung đột tại Ukraine, và với liên minh Iran - Hezbollah là xung đột với Israel. Khi quân nổi dậy tấn công, không quân Nga đã tiến hành một số cuộc không kích nhưng không đem lại hiệu quả lớn.
HTS, nhóm lãnh đạo lực lượng nổi dậy, từng có quan hệ với Al Qaeda. Dù đã cắt đứt quan hệ với Al Qaeda năm 2016, HTS vẫn bị Mỹ và Liên Hợp Quốc coi là tổ chức khủng bố.
Trong các tuyên bố công khai, giới chức Mỹ vẫn tỏ ra cẩn trọng với HTS. Tuy nhiên, trong trao đổi nội bộ, một số quan chức cho rằng HTS đã thực sự thay đổi theo hướng thực dụng hơn do hiểu rằng họ sẽ không thể thực hiện tham vọng tham gia chính phủ Syria nếu bị xem là một nhóm thánh chiến.
HTS vẫn giữ bản sắc của một tổ chức Hồi giáo bảo thủ nhưng thể hiện chính sách thực dụng khi kiểm soát tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria. Tại các khu vực mới chiếm đóng, HTS cũng nhanh chóng cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân - như việc khởi động lại mạng lưới cung ứng điện tại Aleppo.
Theo phe nổi dậy, mục tiêu của họ là lật đổ Tổng thống al-Assad. Tuy nhiên, kể cả khi kịch bản này xảy ra, tương lai Syria vẫn là điều bất định. Dù miễn cưỡng hay không, phần lớn cộng đồng quốc tế vẫn chấp nhận ông al-Assad là nhà lãnh đạo Syria do ít nhất ông mang lại sự ổn định, trong khi phe nổi dậy có thể khiến tình hình càng thêm bất ổn.
Ngay cả Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan - người ủng hộ lực lượng đối lập Syria - cũng thừa nhận điều này khi tuyên bố cuộc tấn công “không phải điều Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn”.
“Khu vực đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan”, ông Erdogan nói, theo Reuters.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...