Warren Leight - đội trưởng đội đình công của WGA East (Hiệp hội Biên kịch Mỹ, phía Đông) - mất ăn mất ngủ để đảm bảo rằng các chương trình TV không được phát sóng. Ông là nhân vật đứng đầu kế hoạch tấn công hàng loạt hãng phim lớn nhằm tìm cách làm gián đoạn, đóng cửa hoạt động sản xuất.
"Sáng nay (31/5), lúc 2h, chúng tôi có 20 người chặn quá trình sản xuất mùa 6 của series Billions", Leight nói trên TV’s Top 5 podcast của Hollywood Reporter, khi đề cập sự phô trương sức mạnh trong cuộc biểu tình trước trụ sở Disney, Netflix, trường quay của Fox, Sony, Paramount, Warner Bros. hay Universal.
Không còn đơn thuần là giơ biển phản đối và la hét, nhóm người biểu tình tổ chức các hoạt động gây rối phức tạp hơn. Họ muốn các hãng phim phải lùi bước, đồng ý thông qua bản hợp đồng mới với sự thay đổi điều khoản như tăng lương, giảm giờ làm, thỏa thuận về AI trong khâu viết kịch bản...
Căng thẳng kéo dài
Cùng với số lượng ngày càng tăng của các tổ chức ủng hộ WGA (Hiệp hội Biên kịch Mỹ), Warren Leight - một biên kịch gạo cội, người dẫn chương trình lâu năm - tận dụng thêm quan hệ bên ngoài cũng như danh tiếng trên phương tiện truyền thông, đã tổ chức thành công hoạt động biểu tình trong tháng qua.
Từ hàng chục nghìn người, họ chia làm nhiều nhóm nhỏ để phá rối trụ sở các hãng phim. Điều này khiến quá trình sản xuất một loạt tác phẩm, gần đây có Loot và Good Trouble ở Los Angeles, The Chi ở Chicago và Evil tại New York, phải tạm hoãn. Nhóm biên kịch biểu tình trong 2,5 ngày tại địa điểm quay Good Fortune ở Los Angeles. Kết quả, phim của đạo diễn Aziz Ansari thông báo ngừng sản xuất vô thời hạn.
Tính đến nay, vô số series ăn khách đang chịu cảnh "đắp chiếu". Chưa kể, nhóm chương trình đêm muộn là những sản phẩm đầu tiên bị thiệt hại do lịch trình hàng đêm và tính chất thời sự của chúng, có thể kể đến The Tonight Show Starring Jimmy Fallon, Late Night With Seth Meyers, The Late Show With Stephen Colbert...
Biên kịch Kyra Jones cho biết cuộc biểu tình đánh vào túi tiền của người sử dụng lao động hiệu quả hơn bất kỳ cách thức gì khác. "Hy vọng các công ty phim sớm đồng ý thông qua hợp đồng mới để đảm bảo ngành công nghiệp phim ảnh được tiếp tục", cô nói.
Thành viên của WGA cầm tấm biển ghi: "Đoàn kết với WGA! - ChatGPT" tại cuộc biểu tình ở Chicago hồi tháng 5. Ảnh: Jocelyn Martínez-Rosalest. |
Đây là lần thứ hai nước Mỹ chứng kiến cuộc đình công quy mô lớn của WGA. Trong cuộc đình công trước đó vào năm 2007-2008, WGA thấy họ bị cô lập và mâu thuẫn với các đồng minh lao động. Nhưng giờ đây, hiệp hội được hưởng lợi từ sự đoàn kết của các công đoàn khác. Họ chung tiếng nói vì đều phát sinh vấn đề cần giải quyết với Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình (AMPTP).
Hollywood Reporter thống kê, trung bình, một ngày sản xuất bị mất đi có thể gây tổn thất cho hãng phim 200.000-300.000 USD. Chính sách bảo hiểm không áp dụng cho việc công ty ngừng hoạt động do đình công. Một chuyên gia bảo hiểm của Allianz phát biểu: "Còn quá sớm để suy đoán về bất kỳ tác động nào đối với phí bảo hiểm trong tương lai".
Tương tự ảnh hưởng gần đây của đại dịch Covid-19 đối với hãng phim, những tác phẩm đang ghi hình dang dở khó được hoàn thành sau khi kết thúc cuộc đình công. Hãng phim sẵn sàng hủy bỏ các tập còn lại của một series nếu kinh phí sản xuất bị ảnh hưởng quá nặng.
Thời điểm kết thúc đình công vẫn còn là dấu chấm hỏi
Tất nhiên, các hãng phim không thể "nằm im chịu trận". Họ đưa ra những cách thức giúp nhân viên ẩn danh và dễ dàng vượt qua hàng dài người biểu tình quá khích.
Nhớ lại lần biểu tình trước hãng phim Raleigh Studios, biên kịch Kyra Jones bất ngờ vì không có hoạt động sản xuất nào diễn ra. Cô nói: "Không ai đến. Họ đã dời buổi quay hoặc chuyển sang nơi khác, hoặc cũng có thể chúng tôi nhận được thông tin sai".
Trong cuộc phỏng vấn với Hollywood Reporter, các lập trình viên làm việc cho hãng phim bày tỏ suy nghĩ lạc quan. Họ tin rằng vụ đình công không hẳn làm tổn thương đến Disney, Netflix hay Universal. Một lập trình viên phát biểu: "Hãng phim tiết kiệm chi phí sản xuất và tiền thuế trong lúc này".
Tuy nhiên, quan điểm trên bị WGA bác bỏ. Một thành viên của hiệp hội phân tích: "Nếu để tiết kiệm tiền thì đóng cửa tất cả dự án và rút khỏi showbiz sẽ giúp họ tiết kiệm cả đống tiền". Nhiều người khác đồng tình và chỉ ra rằng bất kỳ sự tiết kiệm, bảo toàn tài chính nào cũng chỉ là ngắn hạn.
"Mục đích chính của các hãng phim là được sản xuất. Đã có những viễn cảnh về việc một dự án bị hoãn quay. Họ sẽ nhận lấy những mất mát nhiều hơn là có lợi", đại diện của WGA cảnh báo.
Trụ sở Netflix tại Đại lộ Sunset ở Hollywood bị gây rối. Ảnh: CNBC. |
Theo Hollywood Reporter, vụ đình công là cơ hội tốt để các thành viên của WGA và những công đoàn liên quan thắt chặt mối quan hệ với các liên minh khác, nhằm tạo ra tiềm lực đủ mạnh chống lại AMPTP. Chia sẻ này được giáo sư Michael Kazin (Đại học Georgetown) đưa ra. Ông nhấn mạnh: "Họ ngừng làm việc để phô trương sức mạnh và sự quyết tâm".
Erik Loomis - giáo sư của Đại học Rhode Island, tác giả cuốn A History of America in Ten Strikes - đánh giá việc giữ vững tinh thần cho WGA cực kỳ quan trọng. Nếu không, các thành viên sẽ bỏ đi và tìm công việc mới.
Giáo sư Joshua B. Freeman của Đại học New York, cũng đồng tình. Ông giải thích thêm: "Khi xem xét giữa nhóm người lao động và nhóm người sử dụng lao động, rõ ràng sự đoàn kết của nhóm người lao động - ở đây là WGA - nổi bật hơn cả. Họ không chỉ là một nhóm riêng lẻ. Họ đang 'thu phục' thêm nhiều người và ngày càng lớn mạnh".
Trải qua một tháng đình công, nhà sử học điện ảnh Jonathan Kuntz tại trường Sân khấu, Điện ảnh và Truyền hình UCLA, ước tính ngành kinh tế Nam California thiệt hại cả tỷ USD. Nếu đình công kéo dài 3 tháng, kinh tế địa phương sẽ tổn thất khoảng 3 tỷ USD.
Đến lúc này, vẫn chưa có khẳng định nào chắc chắn cho việc AMPTP sẽ nhún nhường WGA. Trong tháng 6, thị trường phim ảnh hàng đầu thế giới được dự đoán tiếp tục hỗn loạn.
Đầu tháng 5, 11.500 biên kịch thuộc Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA) đình công để chống lại các hãng phim, công ty giải trí lâu đời do không được tăng lương và thay đổi một số điều kiện trong hợp đồng, sau 15 năm.
Cuộc đình công vẫn tiếp diễn vì Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình (AMPTP) - tổ chức đại diện cho hơn 350 công ty sản xuất phim và truyền hình của Mỹ - không thông qua đề xuất chỉnh sửa hợp đồng lao động mới của WGA.
Tác động từ vụ đình công ảnh hưởng trực tiếp đến ngành kinh doanh, sản xuất truyền hình và điện ảnh Hollywood, gây thiệt hại cho nền kinh tế Nam California.
Zing News Giải trí giới thiệu cuốn The Rock: Through the Lens: His Life, His Movies, His World khắc họa nhiều khoảnh khắc đặc biệt trong 20 năm qua của diễn viên Dwayne Johnson. Anh hiện là một trong những nam diễn viên được trả lương cao nhất thế giới.