Báo cáo của Hội cho biết, năm 2014, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi, nhưng còn khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của người tiêu dùng, trong đó có mặt hàng sách và văn hóa phẩm.
Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, tệ nạn in sách lậu, sự yếu kém chủ quan… khiến các hội viên của Hội Xuất bản Việt Nam (các nhà xuất bản, công ty phát hành sách, đơn vị kinh doanh sách) gặp nhiều trở ngại trong việc thực hiện kế hoạch.
Ông Đỗ Quý Doãn - Chủ tịch Hội Xuất bản phát biểu tại hội nghị. |
Hiện nay, đơn vị cũng chưa được Nhà nước cấp kinh phí cho bộ máy và các hoạt động. Cán bộ đa phần làm việc kiêm nhiệm với lòng yêu nghề và tâm huyết, trách nhiệm trước xã hội.
Dù vậy, những người làm nghề xuất bản đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trong năm qua, Hội Xuất bản phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến xuất bản, hội chợ và triển lãm sách.
Trong đó, các sự kiện như Ngày sách Việt Nam (21/4), Ngày sách và Bản quyền thế giới (23/4), Hội Sách ở TP HCM (3/2014), Hội Sách và Văn hóa đọc lần thứ IV ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội)... đều thu hút hàng ngàn độc giả đến tham quan, mua sắm. Đây cũng là dịp các thành viên mở rộng hợp tác, giao dịch bản quyền, giúp nhiều đơn vị có doanh số cao.
Ngoài ra, Hội Xuất bản Việt Nam cũng động viên, kêu gọi các đơn vị tích cực xuất bản, phát hành nhiều sách, tài liệu khẳng định chủ quyền biên giới, biển đảo của Việt Nam. Sự kiện hội sách Cần Thơ lần này là một điển hình cho điều này. Ngoài 200 gian hàng, 1,8 triệu cuốn sách được bày bán, trong 10 ngày tới, người dân được tìm hiểu những bản đồ, tư liệu, hiện vật quý về Hoàng Sa, Trường Sa và biển đảo Việt Nam.
Hoạt động triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa là điểm nhấn tại hội sách Cần Thơ. Nhiều tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo được trưng bày. Trong hình là tấm bia chủ quyền dựng trên quần đảo Hoàng Sa tháng 6/1938. Ảnh: Như Quỳnh. |
Đặc biệt, tại hội nghị, ông Đỗ Quý Doãn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, đơn vị đang hoàn thiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp của ngành xuất bản. Dự thảo gồm 10 quy tắc đang được đóng góp để ban hành chính thức vào cuối năm nay.
Điểm chủ đạo nhất là xem trọng chất lượng chính trị, văn hóa, khoa học và nghiệp vụ trong xuất bản; luôn coi trọng lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân trong hoạt động xuất bản; không lợi dụng nghề nghiệp để thực hiện ý đồ, động cơ cá nhân; tôn trọng tác giả, tác phẩm…
Ngoài ra, Hội hoàn tất thủ tục thành lập Văn phòng đại diện phía Nam tại TP HCM. Đơn vị đang tìm các nguồn thu để duy trì hoạt động thường xuyên, kiện toàn bộ máy ban chấp hành và tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển hội viên.
Tham gia hội nghị, ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đánh giá cao những kết quả và phương hướng, nhiệm vụ đề ra của Hội Xuất bản Việt Nam. Theo thứ trưởng, đây là những thành công đáng ghi nhận của hội trong lúc đơn vị gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động.