Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyên Thứ trưởng chia sẻ kinh nghiệm quản lý báo chí

Cuốn sách được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn không chỉ trên cương vị quản lý mà còn là 40 hoạt động báo chí của nguyên Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn.

Nhà báo Đỗ Quý Doãn (Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa ra mắt cuốn sách “Quản lý và phát triển thông tin báo chí ở Việt Nam”.

Cuốn sách tập hợp một số bài viết, bài phát biểu trong quá trình công tác của tác giả. Trong đó, các bài viết tập trung làm rõ thực trạng tình hình, những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, chỉ đạo và phát triển báo chí; đồng thời cũng đưa ra những giải pháp cơ bản tạo điều kiện để thông tin báo chí Việt Nam phát triển nhưng vẫn bảo đảm quản lý tốt.

Đặc biệt, cuốn sách là những kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn hoạt động không chỉ trên cương vị quản lý mà còn là một nhà báo với gần 40 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí.

Cuốn sách với nhiều bài viết hữu ích về lĩnh vực quản lý và phát triển báo chí Việt Nam.

Trong những năm qua, thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là phát triển phải đi đôi với quản lý tốt, hệ thống thông tin báo chí Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, cả về số lượng, chất lượng, nội dung, hình thức lẫn loại hình báo chí và đội ngũ người làm báo.

Thông tin báo chí ngày càng làm tốt hơn chức năng là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu của đời sống xã hội, cơ quan ngôn luận của tổ chức Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và là diễn đàn của nhân dân; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tuy nhiên, theo nguyên Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, trong sự phát triển, báo chí cũng bộc lộ một số khuyết điểm, yếu kém. Đó là, tình trạng báo chí nhiều nhưng không mạnh; thông tin sai sự thật, thiếu chính xác, giật gân, câu khách, một chiều… vẫn chưa khắc phục hiệu quả.

Hoạt động báo chí vẫn còn gặp không ít khó khăn khi tiếp cận nguồn tin; việc cung cấp thông tin vẫn chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Công tác chỉ đạo, quản lý thông tin, báo chí chưa theo kịp tình hình; tính dự báo trong quản lý còn hạn chế; các quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách chậm bổ sung sửa đổi; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn chưa nghiêm, thiếu kịp thời…

Mỗi bài viết trong cuốn sách là những dấu ấn đáng ghi nhớ của một người làm công tác báo chí. Trong đó, nhiều bài viết có thể được xem như là sự đánh dấu tiến trình phát triển của hoạt động báo chí nước nhà nói chung và công tác quản lý báo chí Việt Nam nói riêng.

Sách dài 300 trang, do nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành tháng 12/2014. 

Thiên Lam

Bạn có thể quan tâm