Đài thiên văn Nam châu Âu (ESO) vừa bắt được hình ảnh một đám mây hành tinh (hay bị gọi sai nghĩa là tinh vân hành tinh), một loại đám mây phát quang chứa lớp vỏ khí ion hóa phát sáng sinh ra từ những sao khổng lồ đỏ trong giai đoạn cuối của chúng.
Đám mây hành tinh ESO 577-24 (Abell 36) sẽ chỉ phát sáng trong khoảng thời gian 10.000 năm, rất ngắn so với tuổi đời thông thường hàng tỉ năm của một ngôi sao. Có thể thấy ngôi sao Abell 36 ở trung tâm bức ảnh, với lớp vỏ khí bao quanh dần lan ra ngoài không gian.
Ánh sáng mờ nhạt, phù du phát ra từ đám mây hành tinh ESO 577-24 chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khoảng 10.000 năm, một cái nháy mắt về mặt thiên văn. Ảnh: ESO. |
Đám mây này là những gì còn sót lại của ngôi sao khổng lồ đỏ đã hết nhiên liệu và bị co lại, làm cho lõi hành tinh nóng chảy trở lại do áp suất khủng khiếp của trọng lực đồng thời bắn các lớp khí hydro ra ngoài.
Theo thời gian, khí này tiêu tan, đám mây hành tinh sẽ mở rộng và phát triển nhưng dần mờ đi đến khi biến mất hoàn toàn. Trong ảnh, đám mây có 2 màu xanh và đỏ, do các bước sóng ánh sáng xanh và đỏ phát xạ từ các lớp khí bên ngoài đám mây. Phần lõi bên trong đang phát quang thực chất là các lớp khí bị bắn ra từ phản ứng hạt nhân và bức xạ đã làm chúng sáng rực lên.
Cái tên tinh vân hành tinh (được dịch trên thuật ngữ planetary nabulae) do nhà thiên văn William Herschel đặt ra vào những năm 1780 là một sự hiểu nhầm. Thực sự tinh vân hành tinh không tạo nên hành tinh nào cả. Khi Herschel, một trong những người đầu tiên quan sát những vật thể này qua kính thiên văn, ông thấy chúng có những dạng gần tròn như các hành tinh. Thuật ngữ này tồn tại phổ biến tới ngày nay và các nhà thiên văn cũng không chọn một tên thích hợp hơn để thay thế.
Từ nebulae mượn từ tiếng Latin có nghĩa là đám mây hoặc sương mù, do đó planetary nebulae nên được hiểu là đám mây hành tinh. Tuy nhiên trong tiếng Việt, nebulae dịch thành tinh vân nên nhiều người dịch thành tinh vân hành tinh, lệch đi so với nghĩa gốc.
Đám mây hành tinh này được quan sát lần đầu tiên vào những năm 1950, nhưng gần đây mới có được những hình ảnh chi tiết nhờ khả năng của các loại kính viễn vọng hiện đại.
Hình ảnh trên là một phần nằm trong chương trình Eso Cosmic Gems, dự án giúp công chúng quan tâm hơn đến thiên văn học bằng những hình ảnh trực quan, hấp dẫn về các hiện tượng trong vũ trụ.