Phát biểu mở bàn buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Mai Tiến Dũng thông báo một số nét về tình hình kinh tế - xã hội và kết quả của phiên họp Chính phủ tổ chức ngày 3/5.
Theo Bộ trưởng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng, thị trường chứng khoán, ngoại tệ ổn định, tính thanh khoản tốt, mặt bằng lãi suất ổn định.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng điều hành phiên họp. Ảnh: VGP. |
-
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,08% so với tháng trước, bình quân 4 tháng tăng 2,80% so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,4% cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng 12,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,8%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,5% (cùng kỳ là 7%).
Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà phát triển, tổng kim ngạch 4 tháng đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%. Cơ cấu chuyển dịch tích cực, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 26,3%, chiếm khoảng 83,3%. Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 10,1%, chủ yếu là nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Xuất siêu đạt 3,39 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt trên 5,5 triệu lượt, tăng 29%.
Cả nước có trên 41.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 11,5% về số vốn so với cùng kỳ.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ vào sáng 3/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết chúng ta đã đi được 1/3 chặng đường của năm 2018, và cần thấy được, phân tích những tồn tại, khó khăn, thách thức để thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm tốt hơn, chắc chắn hơn trong bối cảnh quốc tế nhiều phức tạp.
Thủ tướng nói về bất cập của hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại phiên họp Chính phủ sáng 3/5. Ảnh: VGP. Thủ tướng cho rằng CPI tăng thấp nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ; giải ngân vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách Nhà nước còn thấp. Môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều cải cách nhưng cần mạnh mẽ, toàn diện hơn.
Tồn tại, thử thách được Thủ tướng nhắc đến là hàng xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng, nhưng số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, giải thể còn lớn. Có nhiều khoản phí, lệ phí còn cao, nhất là chi phí logistics và kiểm tra chuyên ngành.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội còn một số mặt hạn chế, đặc biệt có nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống, ứng xử bạo lực với thầy thuốc, nhà giáo, học sinh… Quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng còn bất cập như sự việc “Hội thánh Đức Chúa trời” tồn tại kéo dài mà chưa kịp thời giải quyết.
Tồn tại nữa mà Thủ tướng rất quan tâm là chất lượng, tiến độ các dự án luật trình Quốc hội còn nhiều vấn đề. Các bộ cần có giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng này.
-
Doanh nghiệp đến sở hơn 30 lần chưa xong điều chỉnh quy hoạch
Tại phiên họp tháng 4, Chính phủ đã xem xét cấp visa, thị thực cho 5 quốc gia Tây Âu kể từ 1/7 tới đây. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá đây là tín hiệu đáng mừng cho khách du lịch quốc tế khu vực này có thể đến Việt Nam một cách dễ dàng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh việc các nước đang xây dựng hàng rào thuế quan, bảo hộ thương mại, tăng mức thuế, đặc biệt tại các nước lớn cũng gây ra thách thức với sự phát triển kinh tế trong nước, nghiêm trọng nhất có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng. Ảnh: Nhật Lâm. Thủ tướng yêu cầu cần phải hết sức chú ý, nắm rõ tình hình trong nước và quốc tế để có những biện pháp đối phó phù hợp, bám sát kịch bản tăng trưởng năm 2018.
Bộ trưởng nhắc lại vấn đề Thủ tướng nêu ra tại phiên họp Chính phủ khi cho rằng “trên nóng, dưới nóng nhưng giữa còn lạnh”. Ông lấy ví dụ một doanh nghiệp đến Sở Quy hoạch của một tỉnh tới 32 lần vẫn chưa thể giải quyết xong việc điều chỉnh quy hoạch một chi tiết nhỏ của dự án.
"Thủ tướng cho rằng đây là một vấn đề rất khó chấp nhận, khi đã phân cấp phân quyền về cho địa phương. Tuy nhiên, để doanh nghiệp đến tới 32 lần, đặc biệt lại là địa phương có xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cao lại càng không thể chấp nhận được", ông Dũng nói.
-
Có giải pháp ngay với những vấn đề trong trường học
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó phải phát hiện sớm, có biện pháp ngay từ đầu đối với những vấn đề trong trường học.
“Thủ tướng có hỏi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo vấn đề nhà vệ sinh trong trường học như thế nào? Đây không phải là vấn đề nhỏ, mà phải kiểm tra. Chúng ta đã làm được bao nhiêu nhà vệ sinh cho học sinh, cho giáo viên? Không để tình trạng trường rất to, nhưng không quan tâm đến công trình phục vụ cho học sinh, giáo viên”, Bộ trưởng nhắc lại.
-
Tự do tín ngưỡng không được vi phạm pháp luật
Trả lời câu hỏi về hoạt động của Hội Thánh Đức Chúa Trời (tên gọi khác là Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: Ban Tôn giáo Chính phủ đã có 4 văn bản hướng dẫn thực hiện. Thực chất, họ có những hành vi nghiêm cấm như vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, ứng xử chưa đúng theo truyền thống thờ cúng tổ tiên, ứng xử không phù hợp. Chiếu theo luật Tín ngưỡng tôn giáo, công an và cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chức năng các địa phương đã vào cuộc để tuyên truyền, tránh hoạt động lôi kéo, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tự do tín ngưỡng, nhưng không được vi phạm pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng. Ảnh: Nhật Lâm. Về ý kiến băn khoăn nước đỏ có chất hướng thần không, Bộ Nội vụ đã đề nghị Bộ Công an vào cuộc, đặc biệt là Bộ Y tế kiểm tra để có kết luận.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, không tín ngưỡng của người dân, theo đúng quy định pháp luật. Song, chúng ta cương quyết xử lý hành vi lợi dụng tôn giáo đi ngược thuần phong mỹ tục...
"Tổ chức du nhập từ nước ngoài như Hội thánh Đức Chúa Trời, có hoạt động trái với thuần phong mỹ tục, truyền thống, văn hóa, ứng xử thô bạo với tín ngưỡng truyền thống, trái truyền thống thờ cúng ông bà. Nước thánh là nước lợi dụng thôi, không có nước thánh nào cả, toàn bịa đặt cả thôi", ông Dũng khẳng định.
Theo người phát ngôn Chính phủ, chúng ta phải tuyên truyền cho người dân, trong đó có học sinh, sinh viên. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương phải rà soát, chấn chỉnh hoạt động của tổ chức Hội Thánh Đức Chúa Trời không hợp pháp và xử lý nghiêm.
-
Không có chuyện vỡ quỹ bảo hiểm xã hội vào năm 2025
Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định không có chuyện mất cân đối quỹ bảo hiểm vào năm 2025. Theo vị này, mốc trên do Tổ chức Lao động quốc tế tính toán trước đây khi có luật Bảo hiểm xã hội nhưng hiện số liệu này không còn chính xác.
-
Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm 1996 thất lạc đã được thay thế bằng bản đồ năm 2005
Nói về việc thất lạc bản đồ quy hoạch 1/5.000 khu đô thị Thủ Thiêm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng lý giải theo quy trình triển khai quy hoạch Thủ Thiêm thì việc triển khai gồm 2 bước là quy hoạch chung gắn với bản đồ 1/5.000 và quy hoạch chi tiết gắn với bản đồ 1/2.000. Sau đó cụ thể hoá, phân giới cắm mốc thực hiện. Quy hoạch sau chính xác hoá quy hoạch trước.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng. Ảnh: Nhật Lâm. Đô thị mới Thủ Thiêm 2 lần điều chỉnh quy hoạch, một lần quy hoạch chung năm 1996, lần thứ 2 năm 2005. Hiện, quá trình triển khai dự án, xác định ranh giới, thu hồi mặt bằng là theo quy hoạch chung 2005. TP.HCM hôm nay trả lời là tất cả bản đồ cũng như hồ sơ pháp lý hiện có đầy đủ từ 2005, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, quy hoạch ranh giới có đầy đủ và đang triển khai dự án thu hồi dựa trên các quy hoạch này.
"Quy hoạch chung năm 1996 về pháp lý đã được thay đổi bằng quy hoạch 2005. Còn thất lạc, trách nhiệm, hệ luỵ gì thì liên quan đến quy hoạch trước, thuộc trách nhiệm của những người liên quan quản lý trước đang xem xét, làm rõ", ông Hùng nói.
Trong khi đó, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam thì nói ngắn gọn sẽ phối hợp với UBND TP.HCM và khi có kết quả sẽ thông báo.