Theo bản ghi âm, người đàn ông tên John, 30 tuổi, cho biết anh bị mắc kẹt ở Myanmar trong 3 tháng và buộc phải tham gia các trò lừa đảo của những tội phạm có trang bị vũ khí, theo AFP.
"Tôi đã thấy những người cố gắng trốn thoát nhưng bất thành. Họ bị bắn và bị đưa trở lại. Trốn chạy không phải là một lựa chọn", anh nói.
“Cuộc sống ở đó rất căng thẳng. Đồng tiền đi trước và mọi thứ bước theo sau. Nếu tôi không thể đáp ứng mức hạn ngạch (doanh thu), họ có thể đưa tôi đến một nơi khác có thể có điều kiện sống tệ hơn gấp 10 lần".
Đoạn ghi âm được luật sư nhân quyền Patricia Ho và Giám đốc chương trình Stop Trafficking of People Michelle Wong cung cấp. AFP cho biết chưa thể xác thực tính chính xác của đoạn ghi âm nói trên.
Luật sư nhân quyền Patricia Ho và Giám đốc chương trình Stop Trafficking of People Michelle Wong trả lời truyền thông tại Hong Kong. Ảnh: AFP. |
Những vụ lừa đảo trực tuyến từ lâu đã xuất hiện ở nhiều nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, các tình tiết mới xuất hiện cho thấy nhiều người đã bị bán và buộc phải làm việc cho những nơi điều hành các vụ lừa đảo này.
Theo Guardian, nhiều tội phạm buôn người có liên hệ với Hội Tam Hoàng khét tiếng. Các thành viên mà hội này nhắm đến phần lớn là người trẻ châu Á thông qua mạng xã hội.
Những tội phạm buôn người hứa cung cấp chỗ ở và công việc được trả lương cao ở Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Lào. Khi đến nơi, các nạn nhân bị tịch thu hộ chiếu và bị bán cho nhiều nhóm khác nhau. Họ bị buộc phải làm việc trong các văn phòng điều hành các vụ lừa đảo bất hợp pháp qua điện thoại hoặc trực tuyến, theo Guardian.
Anh John cũng cho biết anh đã đến Thái Lan để nghỉ mát theo lời mời của một người bạn nhưng bị bắt cóc và đưa đến Myanmar. Tại đây, hộ chiếu của anh bị tịch thu.
Chính quyền Hong Kong cho biết từ tháng một đến nay đã có 39 người dân yêu cầu giúp đỡ sau khi trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.
Các nhà chức trách Hong Kong cho biết 21 người đang bị giam cầm ở Myanmar và Campuchia. Trong khi đó, 18 người khác được xác nhận đã an toàn.
Nhà chức trách Đài Loan cũng cho biết gần 5.000 công dân được ghi nhận đã đến Campuchia và không trở về. Cảnh sát cho biết đã xác định được ít nhất 370 người trong số họ bị giam giữ trái phép nhưng trên thực tế, con số này có thể cao hơn nhiều.
Cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ 6 người liên quan đến vụ lừa đảo. Một số người bị buộc tội âm mưu lừa đảo và bị cáo buộc giữ vai trò trung gian.