Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Hồi sinh vùng đất chết Quảng Trị: Cuộc chiến đầy máu và nước mắt

Đôi tay lẩy bẩy vuốt từng cành đót để làm chổi, người đàn ông mất nhiều nội tạng trong cơ thể chia sẻ gần 30 năm về trước, vì khổ cực và nghèo đói nên ông mới liều mình đi cưa bom.

Vung dat chet Quang Tri anh 1

Vung dat chet Quang Tri anh 2

Trong căn phòng làm chổi đầy bụi đót khô của Hội người mù huyện Triệu Phong (Quảng Trị), ông Cao Văn Năm (49 tuổi) cặm cụi ngồi làm gần mép cửa. Người đàn ông trung niên khó nhọc trong từng động tác, đôi tay run lẩy bẩy vuốt từng cành đót, đầm đìa mồ hôi dù thời tiết không quá nóng.

Những người xung quanh bảo gần nửa nội tạng trong người ông đã mất sau một tai nạn gần 30 năm về trước khi đi thu gom phế liệu chiến tranh.

Cùng là nạn nhân của tai nạn bom, mìn như ông Năm, chàng thanh niên Hồ Văn Lai (sinh năm 1990, Quảng Trị) khi mới 10 tuổi cùng 3 người em họ gặp nạn trên đường đến nhà bà.

Vung dat chet Quang Tri anh 3

Vô tình gặp bom chùm, những đứa trẻ nghịch ngợm cầm đá đập vỡ. Đập đến quả bom thứ 4, nó phát nổ khiến 2 đứa trẻ chết, Lai và một em khác bị thương nặng.

Vụ nổ khiến Lai mất cánh tay và chân phải, cổ chân và ngón cái bàn tay trái. Ngoài ra, đứa trẻ này phải khoét bỏ nhãn cầu mắt phải, thị lực mắt trái suy giảm, tỷ lệ thương tật 86%. Trải qua nhiều ca mổ, Lai phải mất 4 năm tập phục hồi chức năng mới có thể quay lại trường học.

Dù mang nhiều thương tật, sức khỏe suy yếu và cuộc sống gặp nhiều khó khăn sau tai nạn, ông Năm và Lai còn may mắn hơn hàng nghìn người khác.

Trong hơn 40 năm qua, Quảng Trị có 8.500 nạn nhân bom, mìn (hơn 5.000 người bị thương, gần 3.500 người chết). Tai nạn bom, mìn đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.600 em nhỏ (31% tổng số nạn nhân) khi các em còn chưa nhận thức được sự nguy hiểm của nó.

Hồ Văn Lai với ký ức đáng sợ về bom mìn Dù thân thể không còn lành lặn nhưng Hồ Văn Lai (Quảng Trị) vẫn nỗ lực, vượt qua mặc cảm để đi tuyên truyền về hiểm họa của bom mìn cho người dân nơi mình đang sinh sống.

Vung dat chet Quang Tri anh 4

Khi chiến tranh kết thúc năm 1975, hàng triệu tấn bom, đạn chưa nổ còn nằm rải rác khắp đất nước. Trong đó, Quảng Trị là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 84% diện tích đất bị ô nhiễm bom, mìn, vật liệu nổ, gấp 4 lần mức bình quân cả nước.

Vung dat chet Quang Tri anh 5

Một thời gian dài sau chiến sự, nghề thu gom phế liệu chiến tranh trở nên phổ biến ở Quảng Trị, có những địa phương coi đây là nghề chính. Làm nghề cưa bom, đạn, nhiều người chấp nhận đánh cược mạng sống của bản thân và những người xung quanh để mưu sinh.

Điều đó khiến nghề này trở thành nguyên nhân thứ 2 (sau làm ruộng) dẫn đến tai nạn bom, mìn ở Quảng Trị.

Ông Cao Văn Năm kể, năm 1990, ông theo người làng đi tìm vỏ bom, đạn đem bán. Một lần, người bạn đi cùng ông cuốc phải quả đạn pháo 105 ly khiến nó phát nổ. Hai người đứng gần chết tại chỗ, riêng ông đứng xa hơn, bị mảnh pháo găm vào bụng làm thủng ruột, phổi… Sau những ca phẫu thuật cắt bỏ ruột non và nhiều phần nội tạng khác, ông chịu tỷ lệ thương tật đến 85%.

Từ lao động chính, trụ cột trong gia đình, người thanh niên mới ngoài đôi mươi mất khả năng lao động, thể trạng luôn yếu ớt. Nhiều năm sau, dù sức khỏe ổn định hơn, ông Năm chỉ có thể làm các công việc nhẹ như làm tăm, chổi… với thu nhập ít ỏi.

Ông tâm sự sau chiến tranh, người làng chỉ có 2 nghề chính là làm ruộng và thu gom phế liệu chiến tranh. Lớn lên trên mảnh đất đầy rẫy bom, mìn, ông chọn nghề cưa bom, đạn như một điều hiển nhiên với suy nghĩ đơn giản là nghề này mang lại thu nhập lớn hơn làm ruộng.

“Ngày ấy, thi thoảng có nghe tin người chết, bị thương bởi bom chùm, đạn nổ trong lúc canh tác hay tìm phế liệu, nhưng tôi không nhận thức được sự nguy hiểm. Tôi không bao giờ ngờ được tai nạn sẽ xảy ra và hủy hoại cuộc đời mình ở tuổi 22”, ông run run nhớ lại.

Tháng 5/2016, một vụ nổ bom chùm trên cánh đồng ở xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, Quảng Trị đã khiến 2 nhân viên kỹ thuật dự án NPA - RENEW thương vong. Trong đó, người đội trưởng Ngô Thiện Khiết (45 tuổi) của đội khảo sát kỹ thuật qua đời vì vết thương quá nặng.

Những đồng nghiệp có mặt ở hiện trường vụ tai nạn cho biết ông Khiết gặp nạn khi đang tìm kiếm dấu vết bom chùm trên mảnh ruộng vừa được người dân thu hoạch. Quả bom phát nổ khi ông đến gần kiểm tra, chưa kịp xử lý.

Tai nạn của người đội trưởng kỳ cựu, có kinh nghiệm hơn 10 năm gắn bó với việc rà phá bom, mìn khiến đồng nghiệp sững sờ và đau đớn.

Hơn 40 năm về trước, ngay khi chiến tranh vừa kết thúc, Quảng Trị đã mở chiến dịch rà phá bom, mìn, huy động gần 3.000 người. Bước đầu, các vùng đất ô nhiễm bom, mìn được làm sạch để người dân có thể canh tác, xây dựng cuộc sống mới.

Trong quá trình rà phá, nhiều người đã thiệt mạng, có ngày, số thương vong khi làm nhiệm vụ lên đến 15-17 người.

Ông Bùi Trọng Hồng, Cán bộ Kỹ thuật Quốc gia, Dự án NPA - RENEW, người từng tham gia chiến dịch cho biết thời điểm đó, những người làm công tác rà phá bom, mìn không có phương tiện chuyên nghiệp. Họ phải sử dụng các công cụ thô sơ như cuốc, xẻng để thu gom rồi đưa bom, mìn và vật liệu nổ đến khu vực hủy nổ.

Theo ông Hồng, đây là nguyên nhân chính khiến số lượng người thương vong trong chiến dịch lớn đến vậy.

“Bây giờ, chúng ta đến các làng quê Quảng Trị, thấy những cánh đồng lúa xanh rì. Nhưng để có được màu xanh đó, mảnh đất ấy đã thấm máu của những người rà phá bom, mìn và những người lao động xung phong canh tác buổi đầu sau chiến tranh”, ông Hồng bày tỏ.

Người đàn ông lớn tuổi chia sẻ dù hàng chục năm đã qua từ dự án ban đầu đó, các phương tiện cũng trở nên hiện đại và đầy đủ hơn, những người làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn vẫn luôn phải đối diện với hiểm nguy. Tai nạn bom, mìn không thể đoán trước, hàng ngày, đe dọa tính mạng của những người làm nhiệm vụ.

Vung dat chet Quang Tri anh 9

Theo ước tính của Bộ Quốc phòng, với tốc độ rà phá như hiện nay, hơn 300 năm nữa, Quảng Trị mới xử lý hết số bom, mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Đây thực sự là một cuộc chiến lâu dài đầy cam go và khốc liệt bởi tai nạn có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, sự ra đi của ông Ngô Thiện Khiết và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ đã tiếp thêm động lực cho những người ở lại quyết tâm làm hết sức mình với khao khát làm hồi sinh mảnh đất quê hương.

Gần một năm sau ngày ông Khiết mất, người con trai cả của ông là Ngô Thiện Hoàng (26 tuổi) trở thành thành viên chính thức của dự án, tiếp bước và thay cha hoàn thành những công việc còn dang dở.

Anh Hoàng chia sẻ: “Bố tôi là một người rất chăm chỉ, hết mình vì công việc. Dù hàng ngày phải đối diện với nhiều nguy hiểm, bố luôn hăng say, tìm hiểu thêm để hoàn thành công việc tốt nhất với mong muốn làm sạch bom, mìn trên quê hương. Vì vậy, tôi quyết tâm theo con đường của bố, mong ông sẽ tự hào”.

“Giờ đây, tôi hạnh phúc khi mỗi quả bom, đạn được xử lý, một mảnh đất trở nên an toàn để người dân canh tác, trẻ em vui chơi. Tôi mong muốn góp một phần nhỏ giúp làm sạch bom, mìn ở Quảng Trị, đưa người dân tránh khỏi hiểm họa chết người. Tôi mong sẽ không còn ai bị thương hay mất mạng vì bom, mìn nữa”, anh Hoàng tâm sự.

Vung dat chet Quang Tri anh 10

Song song với nỗ lực của chính quyền địa phương, từ năm 1996, tỉnh Quảng Trị được Chính phủ cho phép hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực hiện các dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Hơn 20 năm qua, các chương trình, dự án này đã rà sạch trên 11.000 ha đất bị ô nhiễm nặng, di dời và phá hủy trên 430.000 loại bom, mìn. Đồng thời, các chương trình khảo sát, giáo dục phòng tránh, hỗ trợ nạn nhân bom mìn được triển khai mạnh, tạo hiệu quả xã hội tốt.

Trong những ngày cuối tháng 7 bi hùng, những đoàn người đổ về Quảng Trị tri ân dịp 27/7 chứng kiến mảnh đất từng là chiến địa ác liệt nhất lịch sử, trơ cằn vì bom đạn nay xanh mướt những đồng lúa, đồi cây.

Dù những vết thương chiến tranh còn hằn sâu, chưa thể lành, nơi từng được mệnh danh là mảnh đất chết đang dần hồi sinh. Những nạn nhân bom, mìn cũng dần vượt qua nỗi đau, mất mát để ổn định cuộc sống, góp phần đẩy lùi hiểm họa, nỗi đau còn sót lại của chiến tranh.

Giờ đây, với vai trò là nhân viên giáo dục cho trẻ em về phòng tránh bom, mìn của dự án NPA - RENEW, cậu bé Lai ngày nào mong câu chuyện của mình sẽ khiến các em nhỏ hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm và tránh xa hiểm họa chết người đó.

Còn ông Năm thì chia sẻ ngày đó, vì khổ cực, nghèo đói mới liều mạng làm nghề cưa bom. "Giờ đây, đất nước phát triển rồi, người dân hiểu biết hơn, tôi mong không còn ai phải chịu mất mát, đau đớn vì tai nạn bom, mìn như tôi nữa. Mong sao, mảnh đất này sạch dấu vết chiến tranh, hồi sinh trở lại", ông nói.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình hành động quốc gia Khắc phục hậu quả do bom mìn giai đoạn 2010-2025, cho biết từ khi chiến tranh kết thúc đến nay, để mang lại sự an toàn cho nhân dân, cả nước đã có hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và bị thương khi làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn.

Vung dat chet Quang Tri anh 11

Quảng Trị, mảnh đất hồi sinh từ cõi chết Từ mảnh đất có gần 84% diện tích dày đặc bom mìn sau chiến tranh, đến nay Quảng Trị đã dần làm sạch đất ô nhiễm thành những cánh đồng bát ngát.

Hoàng Như - Hoàng Hiệp - Duy Hiếu

Đồ hoạ: Sang Ngô

Bạn có thể quan tâm