Toàn cảnh lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ
Thứ năm, 27/7/2017 11:47 (GMT+7)
11:47 27/7/2017
Lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) với sự tham dự của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sáng 27/7.
Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017) diễn ra trọng thể tại hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia sáng nay.
Hơn 5.000 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh, bệnh binh, đại diện thân nhân liệt sĩ cả nước... tham gia Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ.
Một trong những cựu chiến binh có mặt sớm nhất tại lễ kỷ niệm là ông Lê Duy Ninh, thương binh 4/4 từng chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị trong những năm 67 - 68 thuộc Sư đoàn 35C. Ông Ninh háo hức và mong mỏi được gặp lại những đồng đội xưa chiến đấu cùng nhau nhưng rất tiếc nhiều người vắng mặt không tham dự được.
Cựu binh, đại tá Hoàng Xuân Hùng (thuộc Sư 316, đơn vị biệt động) bị thương mất cả hai chân tại chiến trường B2 năm 1975. Ông là một trong rất nhiều cựu chiến binh tới dự lễ kỷ niệm có thương tật lên tới hơn 90%.
"Chúng tôi rất xúc động, vinh dự và tự hào khi Đảng, Nhà nước và nhân dân đã có những hoạt động thiết thực tri ân ở cả cấp cơ sở cũng như cấp nhà nước...", cựu chiến binh, đại tá Đỗ Văn Tỳ, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 313, từng tham gia chiến đấu tại mặt trận nước bạn Lào và miền Nam Việt Nam chia sẻ.
Tới dự lễ kỷ niệm còn có nhiều nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước từng giữ các chức vụ cao trong lực lượng vũ trang.
Thượng tướng, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam từ năm 1998 đến năm 2001.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng, đại tướng Ngô Xuân Lịch.
Những cựu chiến binh thương tật năng, người có công đau yếu được quan tâm chăm sóc, hỗ trợ riêng khá chu đáo.
Đại tá Lê Duy Ứng (thương tật ở mắt) và trung úy Nguyễn Trần Toàn (mất cánh tay trái) tay bắt mặt mừng khi gặp gỡ. Họ từng là bạn, là đồng đội của nhau khi còn phục vụ trong quân ngũ.
Trong ngày trọng đại này, rất nhiều đồng đội đã tìm thấy nhau, những bàn tay vẫn nắm chặt, dìu dắt nhau từng bước đi, chỗ đứng. Người bị thương tật ở mắt thì được chỉ đường, người không còn chân hoặc mất đi cánh tay thì được dìu dắt, chỉ lối.
Hàng trăm các bạn trẻ, thanh niên tình nguyện Thủ đô cũng đã có mặt tại đây, hỗ trợ, dìu đỡ thế hệ cha ông, các bà các mẹ cựu chiến binh, người có công trong việc di chuyển, thuốc nước, nghỉ ngơi và y tế.
Tham dự buổi lễ có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Chủ tịch UB TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn. Ngoài ra, còn nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước khác cũng có mặt tại hội trường.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông nhấn mạnh về niềm tự hào và xúc động của cả dân tộc. Tổng bí thư gửi tới tất cả các cựu chiến binh, những gia đình có công lời thăm hỏi ân cần và lời tri ân, biết ơn sâu sắc.
Tổng bí thư nêu rõ, trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cả dân tộc Việt Nam đã đoàn kết một lòng, cương quyết bảo vệ độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ quên công ơn to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng. Chúng ta nguyện sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc xứng đáng với các bậc tiền nhân, với những người đã hết lòng hy sinh vì dân, vì nước”.
Giây phút long trọng nhất buổi lễ, toàn thể đại biểu có mặt tại hội trường đã dành phút mặc niệm để tưởng nhớ những người con của Tổ quốc đã ngã xuống trên khắp các chiến trường, qua liên tiếp các cuộc kháng chiến ròng rã nửa thế kỷ vì độc lập dân tộc.
Những cựu binh trong phút mặc niệm, tưởng nhớ đến đồng đội xưa đã nằm lại trên các chiến trường.
Những giọt nước mắt tưởng nhớ, xúc động lăn dài trên gò má các mẹ khi hồi tưởng lại quá khứ hào hùng nhưng cũng đầy đau thương và mất mát.
Nhiều tiết mục văn nghệ sôi động qua các ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Cỏ non thành cổ”… được các nghệ sĩ thể hiện đầy cảm xúc trong chương trình.
Trước lễ mít tinh trong sáng nay, nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 đã được tổ chức tại khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Kết thúc lễ mít tinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ân cần thăm hỏi và chụp ảnh kỷ niệm cùng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các cựu chiến bình, thân nhân người có công của các đoàn.
Sáng 27/7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ.
“Nói như ngôn ngữ bóng đá, TP.HCM phải nằm trong đội hình chính, đá vị trí tiền đạo để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.