Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hội nghị quân chính đặc biệt của Viettel

Những năm trước đây, Hội nghị quân chính hàng năm được coi là sự kiện nội bộ của Viettel vì có nhiều thông tin không được công bố. Tuy nhiên, năm nay có thay đổi.

Sáng 24/1, Hội nghị quân chính của Viettel diễn ra với sự góp mặt của nhiều nhà báo. Trao đổi bên lề với phóng viên, ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel nói: “Tôi cũng hơi giật mình vì trước giờ không mời báo chí rộng rãi với sự kiện này”. Những năm trước đó, Hội nghị quân chính của Viettel thường được tổ chức nội bộ. Các thông tin sau đó cũng được công bố chủ yếu là kết quả chung chung chứ không có nhiều số liệu cụ thể.

Ngoài mục tiêu vào Top 20 thế giới về viễn thông, Viettel muốn trở thành tổ hợp quân sự, quốc phòng.  Ảnh: Tuấn Mark.

Phát biểu trong báo cáo tổng kết, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Viettel cho biết một số thay đổi đặc biệt năm 2014. Thứ nhất, Viettel thay đổi thế hệ lãnh đạo cấp cao (ông Hùng trở thành tổng giám đốc từ tháng 3/2014). Thứ hai, từ năm 2009 đến 2013, tốc độ tăng trưởng liên tục suy giảm, năm 2013 chỉ còn 15% nhưng 2014 vọt lên 20% (doanh thu 197.000 tỷ đồng, gấp đôi VNPT); trong khi đó, các doanh nghiệp cùng ngành chỉ tăng dưới 5%.

Bên cạnh đó, tập đoàn này còn trở thành doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất Việt Nam (với hơn 15.000 tỷ đồng), đồng thời cũng là doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất tại Lào và Campuchia. Xét về lợi nhuận, Viettel đạt 42.000 tỷ đồng, bằng 85% của tất cả các doanh nghiệp quân đội và 23% tổng lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp nhà nước. Năm 2014, lần đầu tiên tập đoàn này đầu cho mạng 3G vượt 2G và có số thuê bao 3G tăng gấp đôi (đạt 14 triệu vào cuối năm – chiếm gần 51% thị phần).

Với mục tiêu năm 2015, người đứng đầu Viettel cho biết, tập đoàn này sẽ thoái vốn hầu hết các công ty bất động sản, và các công ty không thuộc lĩnh vực chính, đồng thời sẽ đẩy mạnh việc mua bán sáp nhập các công ty trong ngành, trong lĩnh vực VT-CNTT. Tập đoàn quân đội vẫn dự kiến tăng trưởng 20%, bất chấp việc thị trường viễn thông Việt Nam đã bão hoà, với doanh thu 230.000 tỷ đồng

Vào năm 2020, Viettel phải trở thành một tập đoàn toàn cầu, một tổ hợp nghiên cứu sản xuất cả về dân sự và quân sự. Đặc biệt, Viettel sẽ đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu các vũ khí chiến lược, vũ khí công nghệ cao, và dự án Tường lửa quốc gia.

Đây là hội nghị quân chính đầu tiên tại Viettel trên cương vị CEO của ông Nguyễn Mạnh Hùng.  Ảnh: Tuấn Mark.

Ông Hùng dự báo, năm 2015, số lượng thuê bao 3G cũng sẽ tăng gấp đôi và đến cuối năm thì chiếm 50% tổng số thuê bao di động, còn số thuê bao 2G giảm đi một nửa. Vì thế, lãnh đạo này đề xuất Bộ Thông tin Truyền thông cho phép chuyển đổi tần số dư thừa của mạng 2G sang cho 3G.

Vị lãnh đạo này bổ sung, truyền hình cáp tại Việt Nam có thể sẽ trở thành truyền hình quảng bá, truyền hình cáp quang có thể sẽ phủ đến trên 80% các hộ gia đình, truyền hình trả tiền có thể sẽ cung cấp các kênh cơ bản với giá bằng không. Truyền hình số mặt đất có thể sẽ không có vai trò và tương lai như dự báo trước. Do vậy, không nhất thiết phải dành nhiều tài nguyên tần số cho công nghệ này, mà dành nhiều tài nguyên tần số thấp cho các công nghệ di động, đặc biệt là 4G.

Phát biểu tại hội nghị quân chính, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son, chia sẻ, ông đánh giá rất cao những kết quả xuất sắc về sản xuất kinh doanh cũng như công tác xã hội của Viettel trong năm 2014. Về kiến nghị liên quan đến băng tần, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, ông sẽ chỉ đạo Cục tần số vô tuyến điện nghiên cứu để sửa đổi quy định về băng tần trong quý 1, giúp các doanh nghiệp viễn thông nói chung có thể thiết kế mạng 3G tốt hơn.

Người đứng đầu ngành thông tin truyền thông Việt Nam cũng yêu cầu Viettel phải thực hiện tốt chiến lược siêu băng rộng cho cả cố định và di động (đặc biệt là mạng 3G trong thời gian trước mắt). “Các đồng chí cần đi đầu trong việc đầu tư hạ tầng viễn thông vững chắc, ổn định, đảm bảo khả năng thông tin liên lạc tốt trong mọi tình huống”, ông Son nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phùng Quang Thanh phát biểu, ngoài việc làm tốt nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, quân đội còn đang góp phần tốt xây dựng kinh tế. Trong lĩnh vực viễn thông, Viettel đang đứng số 1, còn Tân Cảng Sài Gòn cũng là số 1 ở lĩnh vực khai thác cảng container…

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đặc biệt đánh giá cao Viettel ở lĩnh vực sản xuất, chế tạo trang thiết bị quân sự phục vụ quân đội mà điển hình như Hệ thống quản lý vùng trời, radar, các loại máy thông tin…

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Quốc phòng cũng lưu ý, khi phát triển ra nước ngoài, Viettel cần đặc biệt lưu ý đến bản lĩnh chính trị và bảo vệ hình ảnh đất nước, hình ảnh của Quân đội Việt Nam. Bên cạnh đó, Viettel phải đặc biệt quan tâm đến mục tiêu trở thành tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Việt Nam. “Tôi tin các đồng chí sẽ làm được”, Bộ trưởng Thanh nói.

Hoàng Ly

Bạn có thể quan tâm