Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hội nghị G7 và niềm khắc khoải của những Ama

Trước nguy cơ truyền thống bị mai một và cạn kiệt hải sản, nhiều nữ Ama (thợ lặn) hy vọng Hội nghị G7 sẽ thúc đẩy việc công nhận văn hoá lặn là di sản văn hoá phi vật thể.

 

Michiko Nakamura có thể tự xác minh nguồn gốc của những con sò hay hàu trên bàn nướng trong căn lều của bà ở Osatsu, một làng chài nhìn ra Thái Bình Dương. Bởi chỉ trước đó vài giờ, người phụ nữ 64 tuổi đeo mặt nạ và mặc đồ lặn để lao xuống biển tìm thức ăn cho bữa trưa. 

Theo Guardian, bà là một trong số nữ thợ lặn, hay còn gọi là Ama ở Nhật Bản. Họ có thể không sử dụng bình hay ống thở, thay vào đó áp dụng kỹ thuật thở đặc biệt, mà vẫn có thể lặn ở độ sâu 10 m để mò sứa, rong biển, hay cả tôm hùm và bạch tuộc. 

Những người phụ nữ của biển cả

Những chiếc đục và công cụ lặn được khai quật từ di tích thời kỳ Jomon (14.000 trước Công nguyên - 300 sau Công nguyên) trên bán đảo Shima. Trong khi đó, các dấu vết liên quan đến Ama từng xuất hiện trong tập thơ Man'yoshu từ thế kỷ 8.

Những hình ảnh đầu tiên về phụ nữ để trần từ thắt lưng trở lên có trong tranh ukiyo-e từ thế kỷ 18. Mãi cho đến đầu những năm 1900, họ mới mặc trang phục cotton màu trắng và sử dụng đồ lặn từ những năm 1960. 

Sau Thế chiến II, Nhật Bản là quê hương của khoảng 10.000 Ama, hay những người phụ nữ của đại dương theo đúng nghĩa đen. Khoảng 6.000 người trong số họ tập trung ở bờ biển trên bán đảo Shima, nơi Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo G7 có các cuộc hội đàm trong khuôn khổ Hội nghị G7. Đến năm 2014, số lượng Ama trên khắp cả nước giảm còn 2.000, và chỉ còn khoảng 750 ở Shima. 

hoi nghi thuong dinh G7 anh 1
Các thợ lặn tự do Ama ở Shima, thuộc tỉnh Mie, Nhật Bản. Ảnh: AFP

Một số Ama, như Nakamura, thường lặn theo nhóm. Mỗi người cột chặt vào sợi dây thừng gắn với thùng gỗ, thứ có vai trò như phao. Người lặn sâu hơn thường đi cùng người chồng ngư dân của họ. Các ông chồng sẽ ngồi trên thuyền và kéo vợ từ dưới biển sau mỗi lần lặn. 

Không ai hiểu rõ lý do vì sao phụ nữ, thay vì chồng của họ, lại làm thợ lặn tự do. Theo một cách lý giải, phụ nữ thường có lớp mỡ dưới da dày hơn, do đó có thể chịu lạnh trong thời gian dài. Cũng có ý kiến cho rằng đánh bắt cá gần bờ biển dường như là công việc tự nhiên của phụ nữ, khi người chồng của họ đã mạo hiểm giăng buồm ra khơi. 

Không ngạc nhiên khi văn hóa Ama thường gắn với các hình ảnh mê tín. Ngôi sao năm cánh (hay seiman) là một dạng bùa trên khăn trùm đầu và các công cụ của Ama, được viết bằng một nét duy nhất, bắt đầu và kết thúc tại cùng một điểm, để tượng trưng cho sự trở lại an toàn. Trước mỗi lần lặn, những người phụ nữ thường gõ vào mạn thuyền hoặc thùng gỗ và đọc một câu thần chú ngắn.

Sau chiến tranh, Ama được coi là điều gì đó khác thường, trong xã hội bị tư tưởng gia trưởng chi phối. Khi đó, người phụ nữ bị hạn chế về quyền cá nhân. Nhưng trong thế giới này, họ được coi là mạnh mẽ ngang những ông chồng. 

Nakamura làm Ama từ khi 20 tuổi và hiện chưa có kế hoạch nghỉ ngơi.

"Tôi sẽ tiếp tục lặn đến chừng 70 tuổi. Khi bạn ở dưới nước, bạn cảm thấy đang chịu trách nhiệm cho chính số phận của mình. Tôi đố bất kỳ ai đến đây vào một ngày đẹp trời mà không cảm thấy muốn nhảy xuống biển. Nếu bạn yêu biển như tôi, sẽ có lúc cảm nhận đây là công việc tốt nhất thế giới", bà nói.

Niềm hy vọng vào Hội nghị G7

Nữ thợ lặn từng sinh sống rải rác ở làng chài ở khắp Nhật Bản, nhưng số lượng ngày nay giảm đáng kể. Nakamura nói rằng bà hiểu vì sao người con gái ở độ tuổi 20 không đi theo bước chân của mẹ.

"Có những lần tôi cảm thấy không muốn lặn nữa, hay khi gió lạnh và biển động. Nhưng người trẻ không muốn làm công việc này nữa, vì vậy tôi lại tiếp tục", bà trải lòng.

Hầu hết những người phụ nữ này đều có thể nhớ lại giây phút mà họ coi là lần lặn cuối cùng trong đời. Đối với bà Nakamura, đó là một buổi sáng cách đây 3 năm, khi sợi dây gắn vào thắt lưng bị va vào một tảng đá, kéo bà đứng im một chỗ ở dưới bề mặt nước vài cm. 

"Mỗi lần cơn sóng đi qua, tôi đều nhìn lên trời và thở hổn hển trước khi lặn xuống dưới một lần nữa. Sau đó, tôi đã đến đền thờ và cầu nguyện cho chuyện đó không bao giờ xảy ra nữa. Nhưng tôi có thể cảm thấy mình hoảng loạn, ngay cả bây giờ khi nghĩ về nó", bà kể lại. 

hoi nghi thuong dinh G7 anh 2

Bà Michiko Nakamura, một nữ thợ lặn Ama sống ở làng Osatsu. Ảnh: Guardian

Trong khoảng thời gian mà các Ama thường gọi là "cuộc chiến 50 giây", nhiều thợ lặn cũng có nguy cơ tổn hại sức khoẻ và nguy hiểm đến tính mạng. Kết quả khảo sát cho thấy nhiều người từng sụt 10 kg trong mùa đánh bắt và bị các vấn đề về tai. 

Nguy cơ chấn thương, hoặc tệ hơn, không phải là lý do duy nhất khiến Ama đang mai một dần. Rất ít phụ nữ trẻ muốn trở thành thợ lặn tự do, trong khi tình trạng đánh bắt quá mức và nóng lên toàn cầu đã ảnh hưởng đến thứ hải sản đắt giá nhất của họ là bào ngư. 

"Hầu hết phụ nữ đều dừng công việc này ở độ tuổi 70. Trong 10 năm, tôi nghĩ sẽ chỉ còn một nửa số thợ lặn bây giờ", Takuya Agata, người quản lý bảo tàng văn hoá biển Toba, cho biết.

Sự thất bại trong nỗ lực nuôi dưỡng một thế hệ thợ lặn mới, bao gồm thu hút phụ nữ trẻ ở nhiều nơi khác của Nhật Bản, đồng nghĩa với nguy cơ truyền thống 3.000 năm có thể biến mất. 

Khi cuộc sống ngày càng áp lực và người trẻ thờ ơ với công việc này, bà Nakamura cùng các thợ lặn tự do khác hy vọng rằng Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ thúc đẩy chiến dịch bảo vệ Ama và công nhận nó là di sản văn hoá. 

Đệ nhất phu nhân Nhật Bản Akie Abe hy vọng sẽ đưa bạn đời của các nhà lãnh đạo G7 chứng kiến công việc của thợ lặn Ama, những người mà bà gọi gọi hiện thân của "giá trị Nhật Bản".

Trả lời Mainichi Shimbun, Akie từng nói bà rất ấn tượng với cam kết đánh bắt hải sản bền vững của các nữ thợ lặn, bằng cách thiết lập vùng đánh bắt và tự điều tiết phương thức này theo thời gian. 

Giới chức địa phương cho biết họ sẽ coi hội nghị thượng định lần này là cơ hội nhằm thúc đẩy chính phủ Nhật Bản phê duyệt hồ sơ, để UNESCO công nhận văn hoá lặn Ama là di sản văn hoá phi vật thể. 

Tổng thống Obama trồng cây trước khi dự Hội nghị G7

Trước giờ nhóm họp, Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo các nước công nghiệp hàng đầu thế giới tham gia nhiều hoạt động tại khu vực Ise-Shima, nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7.

 

Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm