Một chiều cuối tuần tháng 3, khoảng 30 nam và nữ giới độc thân tới dự sự kiện mai mối do nhóm Himitsu Kessha Shufu no Tomo tổ chức ở quận Yotsuya, Tokyo với hy vọng gặp được bạn đời tương lai. Tuy nhiên, điều đặc biệt là nam giới tham gia sự kiện này sẵn sàng trở thành những ông chồng nội trợ và phụ nữ cũng muốn tìm kiếm chồng theo hình mẫu như vậy.
Trong suốt buổi trò chuyện, những người đàn ông nói về niềm đam mê nấu ăn và tầm quan trọng của nam giới trong việc nội trợ cũng như nuôi con, theo Japan Times.
“Tôi không mong trở thành một ông chồng ở nhà 24 giờ mỗi ngày. Nhưng khi có con, tôi muốn là người gánh vác công việc trong gia đình và nuôi dạy bọn trẻ", một người đàn ông 35 tuổi nói.
Trong khi một người khác 47 tuổi cho rằng, anh sẵn sàng trợ giúp vợ tương lai nếu cô ấy muốn đi làm thay vì ở nhà và nuôi con. “Tôi thực sự thích giặt giũ, nấu ăn và làm các công việc nhà khác”, anh này nói.
Thay đổi quan niệm lỗi thời
Hiện tại, nhiều người dân Nhật Bản muốn phá vỡ khuôn mẫu xã hội liên quan tới phân chia việc nhà và việc ở cơ quan giữa vợ và chồng. Nhóm Himitsu Kessha Shufu no Tomo hy vọng gia đình của 30% cặp vợ chồng kết hôn vào năm 2020 sẽ gồm những bà vợ đi làm, còn chồng lo chuyện "tề gia nội trợ".
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe cam kết tăng tỷ lệ nữ giới nắm các vị trí quản lý lên 30% vào năm 2020. Nhóm Himitsu Kessha Shufu no Tomo thực sự muốn thay đổi quan niệm gia trưởng đang hiện hành trong xã hội Nhật Bản, trong đó nam giới được coi là trụ cột của quốc gia.
Nhiều người Nhật Bản muốn thay đổi quan niệm chỉ có phụ nữ mới phải làm việc nhà. Ảnh minh họa: Guardian |
“Tôi tin rằng sự tiến bộ của nam giới trong việc nuôi dạy con cái và làm việc nhà cũng là yếu tố quan trọng để tiến gần mục tiêu của chính phủ về tăng số lượng nữ giới đi làm”, trưởng nhóm Taizo Horikomi, 39 tuổi, nói. Horikomi là cha của hai đứa nhỏ và hiện ở nhà làm công việc nội trợ.
Khảo sát năm 2014 của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho thấy 44,6% người dân nước này ủng hộ quan điểm “đàn ông đi làm, phụ nữ lo nội trợ”, giảm so với mức 61,1% trong năm 1992. Tuy nhiên, số liệu này cho thấy quan điểm truyền thống về giới tính ở Nhật Bản vẫn tồn tại, theo anh Horikomi.
Phần lớn những người tham gia khảo sát tin rằng, phụ nữ chăm sóc con tốt hơn so với nam giới. “Nhiều người vẫn giữ quan điểm lỗi thời. Do vậy, chúng ta cần phải thay đổi khuôn mẫu đó”, Horikomi nói.
Nam hay nữ giới làm việc nhà đều tốt
Quyết định trở thành người nội trợ trong gia đình đến với anh Horikomi một cách tự nhiên. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tokyo, Horikomi là kỹ sư của một nhà máy sản xuất xe hơi lớn ở Nhật Bản.
Nhưng sau khi con trai đầu chào đời vào năm 2007, vợ anh, một nhà nghiên cứu, không thể nghỉ cho tới lúc con phát triển cứng cáp. Cô phải tới Mỹ để tiếp tục nghiên cứu tại trường Đại học Stanford. Horikomi mất 2 năm nghỉ phép ở công ty để thay vợ chăm sóc con và sau đó xin nghỉ việc vì quá trình nghiên cứu của vợ kéo dài thêm một năm nữa.
Taizo Horikomi và hai con trai. Ảnh: Japan Times |
Hiện nay Horikomi vừa chăm sóc hai con trai, 9 và 4 tuổi, vừa nhận việc phiên dịch tự do. Horikomi đảm đương chuẩn bị bữa trưa cho các con, đưa bọn nhỏ tới bệnh viện khi chúng ốm và tham gia hội phụ huynh học sinh ở trường tiểu học. Trong khi, vợ của anh tạo ra nguồn thu chính trong gia đình.
"Tôi tin rằng phụ nữ hay nam giới chăm sóc con hoặc làm việc nhà đều tốt. Có lẽ điều duy nhất đàn ông không thể làm khi nuôi con là cho chúng bú", Horikomi nói.
Nhiều người hỏi Horikomi có hối tiếc khi từ bỏ sự nghiệp hay không, anh nói đôi lúc cũng ghen tị với những người đồng nghiệp trước vì hiện tại họ đã trở thành sếp và có rất nhiều tiền. Tuy nhiên, điều khiến Horikomi hạnh phúc hơn là niềm vui khi được tự tay chăm sóc gia đình.
Người ta chưa thống kê con số chính thức về các ông chồng nội trợ ở Nhật Bản. Nhưng thông tin liên quan tới nhân khẩu cho thấy, số lượng nam giới phụ thuộc tài chính vào vợ đang gia tăng.
Theo số liệu của Bộ phúc lợi về kê khai thuế thu nhập cá nhân, 110.000 phụ nữ Nhật Bản đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là chồng trong năm 2013, so với 40.000 người năm 1997. Trong khi đó, số nam giới đăng ký giảm trừ gia cảnh cho vợ giảm từ 11,9 triệu người năm 1997 xuống còn 9,3 triệu vào năm 2013.