Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hội nghị Fontainebleau: Sai lầm và cái giá phải trả của đế quốc Pháp

Hội nghị Fontainebleau là “Hội nghị của cơ hội cuối cùng”. Tuy nhiên, tính cứng rắn trong chính sách của Pháp đã khiến cho những cuộc thương lượng không thể có kết cục tốt đẹp.

Hồ Chí Minh cơ hội cuối cùng (Hội nghị Việt - Pháp tại Fontainebleau, tháng 7 năm 1946) (Ho Chi Minh, dernière chance - La conférence franco-vietnamien de Fontainebleau, Juillet 1946) của nhà báo, nhà văn chuyên nghiên cứu các vấn đề lịch sử đương đại Henri Azeau (1922-1990) là một công trình hiếm hoi viết một cách cụ thể, chi tiết về Hội nghị Việt - Pháp tại Fontainebleau và chuyến thăm Pháp năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hội nghị của cơ hội cuối cùng

Cuốn sách được nhà xuất bản Flammarion phát hành lần đầu tiên năm 1968, đã thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu Việt Nam. Tuy nhiên, phải 53 năm sau, bản dịch tiếng Việt cuốn sách này (TS Trần Xuân Trí và TS Ninh Xuân Giao, Đại học Sư phạm dịch) mới được xuất bản tại Việt Nam (trước đó có 2 đơn vị dịch cuốn sách này, nhưng chưa công bố chính thức mà chỉ là tài liệu lưu nội bộ).

Hồ Chí Minh, cơ hội cuối cùng đề cập đến một giai đoạn đặc biệt (từ ngày 19/6/1940 - thời điểm Nhật Bản gửi cho chính quyền Pháp ở Đông Dương tối hậu thư đầu tiên cho đến ngày 14/9/1946, ngày Pháp - Việt ký Tạm ước 1946). Đó là giai đoạn mà chưa bao giờ trong lịch sử hiện đại, đất nước Việt Nam lại chứng kiến nhiều diễn biến chính trị - quân sự đảo chiều liên tục như vậy.

Trong cuốn sách này, vấn đề trung tâm là sự kiện Hội nghị Việt - Pháp tại Fontainebleau và bản Tạm ước 14/9/1946 đã được tác giả đặt trong bối cảnh quốc gia khu vực và thế giới đang diễn biến sinh động và rất khó lường.

Về hình thức, Hội nghị chỉ mang tính chất song phương giữa Việt Nam và Pháp, thậm chí dưới con mắt của Chính phủ de Gaulle và chính quyền Đông Dương thuộc Pháp đây “chỉ là vấn đề nội bộ” của đế chế Pháp. Tuy nhiên, thực chất nó phản ánh một phần cục diện của thế giới mới đang hình thành với sự can dự của tất cả các nước lớn là Mỹ, Liên Xô, Trung Hoa Dân quốc, Anh, Pháp vào vấn đề thuộc địa nói chung và vấn đề Đông Dương nói riêng.

Quan điểm của tác giả sách về sự kiện này đã được thể hiện trực diện và rõ ràng ngay từ tiêu đề sách: Hội nghị Fontainebleau là “Hội nghị của cơ hội cuối cùng”.

Sau Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 vốn được Đô đốc Georges Thierry d’Argenlieu - Cao ủy Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ - đánh giá là một “Hiệp định tốt”, còn Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Hiệp định mở đường cho sự thừa nhận của quốc tế đối với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Tuy nhiên, còn hai vấn đề cốt lõi là “Độc lập” và “Thống nhất” ba kỳ cho Việt Nam thì bị gác lại do quan điểm hai bên còn những bất đồng. Chính vì thế Hội nghị Fontainebleau là cơ hội để hai bên đàm phán đưa ra một giải pháp phù hợp.

Giai sach Quoc gia anh 1

Sách Hồ Chí Minh cơ hội cuối cùng (Hội nghị Việt - Pháp tại Fontainebleau, tháng 7 năm 1946). Ảnh: Việt Linh.

Cái giá phải trả cho sự bỏ lỡ

Trong cuốn sách, tác giả đã đưa ra lập luận rằng Hội nghị Fontainebleau diễn ra sau Hiệp định sơ bộ 06/3 nên nếu một trong hai bên nhân nhượng thì hòa bình có thể được thiết lập, mặc dù nó “bấp bênh, mong manh và dễ tan vỡ” giống như “một đứa trẻ cần có cho tất cả sự yêu thương và chăm sóc của cả bố lẫn mẹ để sống sót”; còn cả hai bên giữ nguyên quan điểm thì “điều mà người ta gọi là chiến tranh Đông Dương” sẽ không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, tính cứng rắn trong chính sách của Pháp đã khiến cho những cuộc thương lượng không thể có kết cục tốt đẹp.

Mặt khác chúng ta còn được chứng kiến một bức màn chắn được dựng lên trong giới bảo thủ, từ Chủ tịch Herriot cho đến tướng de Gaulle thông qua Đảng Phong trào Cộng hòa bình dân, một kiểu liên mình thần thánh tự được thành lập để chống lại mọi thỏa thuận Việt - Pháp. Do vậy, vào thời điểm này, de Gaulle dứt khoát từ chối gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù mỗi lần tiếp xúc với Sainteny, Chủ tịch Việt Nam đều bày tỏ mong muốn gặp ông.

Đề cập đến việc này tác giả cho rằng: Chính Pháp đã bỏ lỡ cơ hội cuối cùng để vãn hồi hòa bình, để thiết lập mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh có mặt tại nước Pháp lúc đó và cái giá phải trả cho sự bỏ lỡ này là rất lớn.

Cuối cùng, dù hai bên trực tiếp đàm phán và ký kết hai hiệp ước ngoại giao (Hiệp định sơ bộ 06/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946), nhưng nền hòa bình không được cứu vãn, dẫn đến cuộc chiến tranh kéo dài tới 8-9 năm.

Tác giả viết: “Làm thế nào để từ giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận đã được cụ thể hóa trong Tạm ước, người ta có thể bước đến một cuộc chiến tranh thực sự, và vượt quá giới hạn mà văn kiện này đã xác định. […] Thời khắc đã đến, giống như tướng Valluy đã viết cho cấp dưới của ông ấy, thời khắc mà ‘những dự tính đáng trân trọng không còn hợp thời’ và cần phải cho họ ‘một bài học’ nghiêm khắc.

‘Bài học nghiêm khắc bắt đầu’, chúng ta biết điều đó, bằng cuộc nã pháo của ba chiến hạm Pháp vào ba khu phố đông dân của Hải Phòng. […] ‘Bài học’ kéo dài trong 7 năm ròng, rồi kết thúc bằng một cách không giống như những người khởi xướng ra nó mong muốn, ở Điện Biên Phủ. Đó là một cơn hấp hối thuộc địa dài, rất dài…”.

Trong phần Phụ lục IX của cuốn sách có tên là “Cái giá phải trả cho thất bại ở Fontainebleau (những thiệt hại ở Đông Dương)” gồm 4 trang, tác giả cho biết tổng thiệt hại của Quân đội Pháp và các quốc gia liên kết là: 318.702 người, riêng lính gốc Pháp chiếm khoảng 20,5 % con số đó.

Tạm ước 14/9: Trí tuệ Hồ Chí Minh

Bên cạnh Hội nghị Fontainebleau, nhan đề của cuốn sách cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân vật trung tâm của mọi sự kiện ở giai đoạn này. Tác giả đã phác họa người đứng đầu Nhà nước Việt Nam một cách chi tiết, sinh động với tư cách là một nhà chính trị dày dạn kinh nghiệm và là chiến lược gia thiên tài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá chính xác về tình hình chính trị “nội bộ” của Việt Nam và Pháp lúc đó, cũng như nhìn ra một cách thấu đáo xu thế phát triển trong quan hệ quốc tế sau Thế chiến thứ hai. Ngay sau Hiệp định sơ bộ 06/3/1946, Người đã nhận thấy rằng: “Hòa bình hay chiến tranh cuối cùng sẽ được lựa chọn ở Paris. Phải đi Paris một cách nhanh nhất…”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Paris với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp chứ không phải là trưởng đoàn đàm phán. Với tư cách này Người đã gặp gỡ bạn bè, trao đổi với chính giới, báo giới và doanh nghiệp Pháp.

Khi Hội nghị Fontainebleau thất bại, Chủ tịch Hồ Chí Minh chắc chắn chiến tranh sẽ xảy ra nhưng không thể về nước với hai bàn tay trắng. Ngày 14/9, một văn kiện ngoại giao mang tên Tạm ước Pháp - Việt đã được đại diện Chính phủ hai nước ký kết, phía Chính phủ Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn phía Chính phủ Pháp là Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại Marius Moute.

Tạm ước 14/9 có thể được coi là thành quả mà hai bên Pháp và Việt Nam đạt được tại Hội nghị Fontainebleau tuy hội nghị chính không mang lại thỏa thuận. Đối với Việt Nam, bản Tạm ước có ý nghĩa chiến lược ở chỗ, nó khẳng định Hiệp định Sơ bộ 06/3, trực tiếp đưa vấn đề độc lập thống nhất của Việt Nam ra trước chính giới và công luận Pháp, tạo vị thế cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cứu vãn hòa bình khi ta còn có thể.

Giải thưởng Sách Quốc gia do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức. Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ sáu (2023) tổ chức ngày 29/12/2023 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Đơn vị tài trợ Kim cương: Ngân hàng VIB, Đơn vị tài trợ bạc: THACO.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm