Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hồi ký người nổi tiếng: Thái độ sống sau những chuyện sốc

Vừa ra mắt hồi ký “Thương Tín - một đời giông bão” được mấy ngày, nghệ sĩ Thương Tín đã nhận được rất nhiều phản hồi trái chiều từ độc giả.

Không chỉ là món hàng rao bán

Khi được hỏi liệu cuốn sách có gây bất lợi cho Thương Tín, nhà báo Đinh Thu Hiền - người chấp bút viết hồi ký cho anh, cho rằng, với Thương Tín, đến tuổi này, người khác có ghét anh thì cũng chẳng thay đổi điều gì trong đời cả.

“Tôi chỉ là một người chấp bút, chứ không sống thay cuộc đời anh Thương Tín. Nó chỉ là cuốn sách, là một món hàng mà người ta phải rao bán. Qua đó, thông qua cuộc đời một con người trước và sau giải phóng, người ta có thể hình dung cả một giai đoạn lịch sử nhiều biến đổi và cả thời kỳ làm phim mì ăn liền những năm 1990. Còn nói về chuyện có hư cấu hay không, thì theo tôi, người viết hồi ký phải trung thực, người chấp bút cũng thế. Tôi chỉ chịu áp lực khi phải cân nhắc nên đưa hay không vào tác phẩm những chi tiết còn gây sốc hơn nữa và cuối cùng, có những câu chuyện tôi thống nhất với anh Thương Tín chỉ có thể đưa vào sau khi tái bản”- nhà báo chia sẻ.

Thương Tín và gia đình hiện tại cùng nhà báo Thu Hiền, người chấp bút cuốn hồi ký của ông.

Thương Tín cho biết, phần vì anh muốn chia sẻ đời mình với người hâm mộ, phần vì cũng cần có chút tiền để nuôi sống bản thân và gia đình. “Những đoạn kết không có hậu mà tôi phải nhận lấy, đó là nhân - quả, và tôi làm, tôi chấp nhận”- anh khẳng định.

Đọc một cuộc đời người khác, dù là thông qua ký ức của họ, người ta cũng có thể hiểu vì sao họ đã không đi con đường thẳng như những người khác, mà phải trả giá cho chính những sai lầm của mình. Trước đó, nhà báo Đinh Thu Hiền cũng từng chấp bút viết hồi ký Ái Vân - Hồi ức một đóa hồng. Tuy nhiên, cho đến nay, cuốn sách không thể hoàn thành, do chính Ái Vân hủy kế hoạch viết hồi ký, dù đã hoàn tất 1 chương. Có thể có nhiều lý do, nhưng theo Đinh Thu Hiền, Ái Vân đã chùn bước trước đòi hỏi khắc nghiệt của từ hồi ký; nó đòi hỏi nhân vật phải trung thực, đôi khi trung thực tới mức tàn nhẫn, để viết ra câu chuyện đời mình.

Tuy nhiên, cuốn hồi ký Lê Vân - Yêu và sống (Bùi Mai Hạnh chấp bút) lại mở ra một bối cảnh khác. Nếu với Lê Vân - nữ nghệ sĩ điện ảnh tài sắc một thời, nói ra là để sám hối, để hàn gắn tình cảm với người thân, để trái tim thôi bị tổn thương, tình yêu nghệ thuật không quá lý tưởng…, thì chị không ngờ cuốn sách đã gây xáo trộn gia đình, đã làm người cha - NSND Trần Tiến đau đớn và không ít người trong nghề, hay độc giả, lên án chị. Nói thật cũng khó, nhất là trong bối cảnh người ta chưa quen chấp nhận mọi sự thật. Nhưng ít ra, từ những sự thật trần trụi, người ta bắt đầu hiểu ra rằng, cuộc đời nghệ sĩ đôi khi phải trả giá cho những ánh hào quang và những góc khuất không phải ai cũng dễ thông cảm.

Để hồi ức vẫn đẹp

Bên cạnh những cuốn hồi ký, tự truyện gây sốt đỉnh điểm như trường hợp Lê Vân -Yêu và sống, cũng có những cuốn hồi ký dựng được phần nào chân dung nghệ sĩ, cũng gây sốt trong kém. Đó là cuốn hồi ký Tâm thành và Lộc đời của nghệ sĩ Thành Lộc do nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc chấp bút, và cuốn hồi ký Đằng sau những nụ cười của Khánh Ly. Cả hai nhân vật nổi tiếng này đều thích để cho những gì trôi đi đều đẹp, hay đúng hơn, họ đứng bên lề đời mình để nhìn lại và quan sát những gì mình đã sống.

 Khánh Ly ký tặng sách hồi ký cho độc giả. Ảnh: P.N.P

Nhân vật Tâm thành và Lộc đời giữ một khoảng cách với độc giả, chỉ kể những câu chuyện hay và chưa hay chứ không phải chuyện gây sốc, để những người liên quan còn nhìn nhau mà cười. Với Khánh Ly - người đàn bà của nhiều bí mật và tài năng, quan niệm về sự thật cuộc đời phức tạp hơn. Dù bà có thể dùng lời hoa mỹ để nói cả về nỗi đau của mình, thì trong cuốn tản văn chứ không hẳn hồi ký đó, người ta cũng hiểu bà nhiều hơn sau lớp son phấn của ngôn từ. Những cuốn tự truyện dù gây bão, hay chỉ là những cơn gió nhẹ, cũng đã buộc người ta tự vấn đời mình một cách nghiêm khắc hơn. Dù đứng ở bên lề, hay ở ngay trong tâm bão, những thân chủ của các cuốn hồi ký đều có thể thẳng thắn nói lên suy nghĩ của mình về nghề, về việc dấn thân vào nghệ thuật cũng như việc chấp nhận một cuộc sống không bình yên. Nhìn lại, cũng để thôi hối tiếc, đau khổ, hay day dứt, để một lần sòng phẳng với những gì đã xảy ra trong đời. Nhưng nói lên cách yêu, cách nghĩ của mình, cho dù đi ngược tâm lý đám đông, cũng là một cách dám đối diện sự thật.

Có những cuốn hồi ký khuấy động nhiều người, nhưng cũng có những cuốn hồi ký như giếng sâu để người ta đọc lại những tâm hồn nghệ sĩ. Có nhiều cách tạo ra dư luận, có cách báo động giả về những sự cố, nhưng cũng có cách để bắt khán giả phải chấp nhận con người họ là như vậy, là những con người bình thường chứ không phải là những thần tượng hết thời.

Còn có không biết bao hồi ký, tự truyện của các hoa hậu, ca sĩ, người mẫu, diễn viên…Nhưng đó là những cách đánh bóng tên tuổi, hay tô điểm thêm vài tài năng không tưởng, coi như không tính đến. Có những câu chuyện cần bán, như thừa nhận của nghệ sĩ Thương Tín, nhưng không phải để sập bẫy rẻ tiền. Nhìn lại, để đánh động về luật nhân quả ở đời, để bạn trẻ tránh xa vết xe đổ…

Đọc để còn lại gì, để chắt lọc ra những bối cảnh, con người một thời, để thôi phán xét một cách vô lối, để ngẫm nghĩ… trước những sự thật, đó mới là tiếng vọng của hồi ký đúng nghĩa.

 


http://laodong.com.vn/van-hoa/hoi-ky-cua-nguoi-noi-tieng-thai-do-song-sau-nhung-chuyen-gay-soc-407249.bld

Theo Minh Thi/Báo Lao Động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm