Theo Reuters, tuyên bố này được đưa ra sau một tuần kể từ khi Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock báo cáo với Hội đồng Bảo an về cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Tigray.
Tại đây, bạo lực tình dục đang được sử dụng như một thứ vũ khí chiến tranh, các bé gái từ 8 tuổi trở thành mục tiêu bị nhắm tới và một số phụ nữ phải chịu sự hành hung và cưỡng hiếp tập thể trong vài ngày.
Tuyên bố ngày 22/4 cũng là tuyên bố công khai đầu tiên của Hội đồng Bảo an về vấn đề này. Kể từ khi giao tranh nổ ra giữa quân đội chính phủ với đảng cầm quyền cũ của khu vực - Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) - vào tháng 11/2020, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức tổng cộng 5 cuộc họp kín.
Công dân Ethiopia tháo chạy khỏi cuộc giao tranh, băng qua sông Setit ở biên giới Sudan - Ethiopia, ở phía đông bang Kassala, Sudan vào ngày 16/12/2020. Ảnh: Reuters. |
Trong tuyên bố được soạn thảo bởi Ireland, các thành viên của Hội đồng Bảo an đều nhất trí “bày tỏ quan ngại sâu sắc về các cáo buộc vi phạm và xâm hại nhân quyền, đặc biệt là các báo cáo về bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái ở vùng Tigray. Đồng thời, Hội đồng Bảo an kêu gọi các bên có nghĩa vụ điều tra nhằm tìm ra những kẻ có tội và đưa ra trước công lý”.
Phái đoàn Ethiopia tại Liên Hợp Quốc khẳng định các hoạt động thực thi pháp luật ở Ethiopia là vấn đề nội bộ đã được quy định bởi luật pháp, bao gồm cả luật nhân quyền.
Theo đó, nước này cam kết điều tra và đảm bảo trách nhiệm giải trình đối với các hành vi vi phạm nhân quyền, bao gồm cả bạo lực tình dục. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đang liên tục cung cấp viện trợ nhân đạo cho khu vực xảy ra tranh chấp.
Hàng nghìn người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột ở khu vực Tigray. Bên cạnh đó, hàng trăm nghìn người khác cũng buộc phải rời bỏ nhà cửa và xin tị nạn ở các khu vực lân cận. Lực lượng quân đội nước Eritrea - bị cáo buộc gây ra các vụ thảm sát - đã giúp quân đội chính phủ Ethiopia chống lại TPLF.
Sau khi công khai thừa nhận sự hiện diện trong cuộc xung đột, vào ngày 17/4, Eritrea đã đồng ý bắt đầu rút quân khỏi khu vực Tigray của Ethiopia theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, Phó tổng thư ký Lowcock khẳng định chưa có bằng chứng nào cho thấy quân đội nước này đã rút lui.
Trong tuyên bố, Hội đồng Bảo an không đề cập tới đến quân đội Eritrea.