Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 5/3 đã tổ chức phiên tham vấn về cuộc khủng hoảng tại Myanmar, sau hơn một tháng từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử.
Cuộc họp diễn ra giữa lúc Liên Hợp Quốc đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn hơn về phản ứng quốc tế đối với chính quyền quân sự tại Myanmar. Hàng chục người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình sau vụ binh biến.
Các nhà hoạt động diễn cảnh cầm súng giả trong một cuộc biểu tình tại Nepal nhằm phản đối sự bạo lực của quân đội Myanmar. Ảnh: Reuters. |
Cần "có chung một tiếng nói"
Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Barbara Woodward cho biết Anh đang thảo luận với các thành viên Hội đồng Bảo an về bước đi tiếp theo của hội đồng, chẳng hạn ra tuyên bố. Song bà không cam kết về một nghị quyết trừng phạt hoặc cấm vận vũ khí đối với Myanmar, theo Nikkei Asia.
"Bất kỳ biện pháp nào khác sẽ cần sự chấp thuận của toàn bộ thành viên hội đồng", bà Woodward nói trong họp báo sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an. Bà cho rằng việc hội đồng "có chung một tiếng nói" là điều quan trọng.
Hội đồng Bảo an bao gồm Trung Quốc và Nga - những thành viên có quyền phủ quyết. Theo lập trường của hai nước này, khủng hoảng ở Myanmar là vấn đề nội bộ mà họ nên tự giải quyết.
Về phần mình, Anh "sẵn sàng xem xét các biện pháp khác theo Hiến chương Liên Hợp Quốc" nếu tình hình ở Myanmar tiếp tục xấu đi, bà Woodward cho hay.
Đại sứ Trung Quốc Trương Quân cho rằng phản ứng của cộng đồng quốc tế cần phải "có ích cho việc giúp các bên ở Myanmar thu hẹp bất đồng và giải quyết vấn đề, đồng thời tránh làm leo thang căng thẳng hoặc làm phức tạp thêm tình hình".
Nhắc lại rằng Trung Quốc là "nước láng giềng thân thiện của Myanmar", ông Trương nói cộng đồng quốc tế nên ủng hộ đối thoại và hòa giải "trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập chính trị, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất quốc gia của Myanmar".
"Quân đội và các đảng phái chính trị khác nhau đều là thành viên của gia đình Myanmar, và tất cả đều phải gánh vác trách nhiệm lịch sử trong việc duy trì sự ổn định và phát triển của đất nước", đại diện Trung Quốc nói sau cuộc họp tại Liên Hợp Quốc.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân. Ảnh: Reuters. |
Đại diện thường trực của Estonia tại Liên Hợp Quốc, Sven Jurgenson, cho biết nước này "tiếp tục lên án mạnh mẽ" chính biến ở Myanmar và việc lực lượng an ninh Myanmar trấn áp những người biểu tình ôn hòa.
"Estonia nhắc lại rằng cần phải quy trách nhiệm cho tất cả những người chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm luật nhân quyền quốc tế", ông nói trong một tuyên bố về cuộc họp của Hội đồng Bảo an. "Điều quan trọng là phải đảm bảo ngay lập tức khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo một cách an toàn và không bị cản trở để đảm bảo nhu cầu cơ bản của các nhóm dễ bị tổn thương nhất, bao gồm người Rohingya và các cộng đồng ở bang Chin, Kachin, Rakhine và Shan".
Estonia là một trong những thành viên không thường trực hiện tại của Hội đồng Bảo an.
Hy vọng đang tắt dần
Đặc phái viên của tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Myanmar, Christine Schraner Burgener, cho biết bà nghe các lực lượng xã hội dân sự nói "hy vọng mà họ đặt vào Liên Hợp Quốc và các thành viên của tổ chức đang tắt dần".
Đặc phái viên của tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Myanmar, Christine Schraner Burgener. Ảnh: AP. |
"Cho phép tôi nhắc lại rằng cộng đồng quốc tế không nên trao cho chính quyền quân sự Myanmar tính chính danh hoặc sự công nhận", bà nói. "Thay vào đó, hội đồng này nên lắng nghe tiếng nói của người dân Myanmar, tạo ra nền tảng để các đại diện dân cử và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự chia sẻ trực tiếp với quý vị về tình hình thực địa, vốn đang xấu đi nhanh chóng".
Louis Charbonneau, Giám đốc Liên Hợp Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), kêu gọi áp đặt lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu đối với Myanmar.
"Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần phải có hành động thực chất bằng các lệnh trừng phạt có chủ đích đối với các lãnh đạo quân sự... cũng như bằng lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu", ông nói trong một tuyên bố. "Không nước nào được bán bất cứ một viên đạn nào cho chính quyền quân sự sau khi họ ngược đãi người dân Myanmar như vậy".
Tuần này, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói cộng đồng quốc tế cần "tăng cường sức ép" đối với quân đội Myanmar. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã công bố các biện pháp mới để trừng phạt chính quyền quân sự Myanmar.
Theo đó, Washington đã đưa hai bộ Quốc phòng và Nội vụ của Myanmar, cùng các tập đoàn kinh tế hàng đầu thuộc sự quản lý của quân đội nước này, vào danh sách đen thương mại, Reuters cho biết. Mỹ cũng hạn chế xuất khẩu sang Myanmar bất kỳ mặt hàng nào có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Dù vậy, Mỹ vẫn chưa triển khai công cụ trừng phạt cứng rắn nhất, chính là đưa ra danh sách các cá nhân bị Bộ Tài chính Mỹ cấm vận. Những người bị đưa vào danh sách này sẽ bị đóng băng tài sản, chặn mọi giao dịch với Mỹ, về cơ bản là bị loại ra khỏi hệ thống ngân hàng Mỹ.