Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Hội chợ phù hoa': 'Số đỏ' của văn học Anh thế kỷ XIX

Đọc “Hội chợ phù hoa” của William Makepeace Thackeray, bạn đọc không khỏi liên tưởng tới tác phẩm “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng bởi có khá nhiều điểm tương đồng.

Dẫu biết rằng mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng quả thực, dù có sự khác biệt về tầm vóc nhưng cả hai tác phẩm đều là bức tranh toàn cảnh châm biếm sự thối nát của xã hội thượng lưu, đều thể hiện một cái nhìn sắc sảo xuyên thấu những giả mạo tầm thường và đều được viết bởi một văn tài xuất chúng. 

Hội chợ phù hoa là một tác phẩm hiện thực phản ánh bộ mặt xã hội quý tộc Anh quốc thế kỉ thứ XIX. Trong vở hài kịch của Thackeray, mặc dù tác giả nói “các nhân vật có địa vị quan trọng như nhau, không phân biệt chính phụ” nhưng rõ ràng, Rebecca Sharp vẫn hiện lên như một vai diễn chính. 

Tác phẩm xoay quanh quá trình đổi đời của Rebecca - Becky từ một cô gái mười bảy tuổi với xuất thân tầm thường (mẹ là vũ công người Pháp, bố say sưa nghiện ngập) đến khi trở thành bậc mệnh phụ xa hoa đài các. Hành trình Rebecca phát mại những giá trị tôn quý như tuổi trẻ, vẻ đẹp, những tình cảm thiêng liêng để đổi lấy tiền bạc, danh vọng từ giai cấp thượng lưu để rồi bị chính giai cấp ấy ghẻ lạnh, ruồng rẫy khiến độc giả không khỏi rùng mình về sự yếu ớt của những giá trị tinh thần trước sức mạnh của tài vật, danh vọng. 

2 tập của tác phẩm Hội chợ phù hoa vừa ra mắt.

Bằng sự thông minh và vẻ đẹp sẵn có, Rebecca luôn tận dụng mọi cơ hội để “mồi chài” cho mình một ông chồng giàu sang hoặc trục lợi từ những người trong giới thượng lưu. Từ anh chàng to béo phục phịch - Josehp Shedly, anh trai của người bạn gái đã cưu mang mình đến Tôn ông Pitt Crawley - chúa đất một vùng, nghị sĩ quốc hội nhưng ăn ở bần tiện, bẩn thỉu. Từ Rawdon, con trai của ông già 70 tuổi Pitt Crawley đến George chồng của Amelia - người chị em thân thiết, Rebecca không bỏ qua một “mỏ vàng” tiềm năng nào và càng ngày càng lún sâu vào vũng bùn trụy lạc. 

Thế giới của Hội chợ phù hoa là thế giới thượng lưu với vẻ ngoài danh giá, sang trọng nhưng bên trong lại thối ruỗng, mục nát. Vì sao một thiếu nữ trong tay không có gì ngoài vẻ bề ngoài dễ coi như Rebecca lại có thể leo tới vị trí của một bậc mệnh phụ phu nhân quyền uy, đài các? Đó là bởi những tố chất thiên bẩm như trục lợi, tham lam, ích kỷ, tàn nhẫn của Becky cũng chính là bản chất thực sự của cái tầng lớp mà cô ta cố len lỏi vào.

Xã hội bị chi phối bởi tiền tài và danh vọng với những Tôn ông hà tiện Pitt Crawley, những hầu tước Steyne xảo quyệt, tàn nhẫn chắc chắn sẽ hoan nghênh đón nhận một cá nhân cũng coi đồng tiền là sức mạnh tối thượng và danh vọng là cái đích của cuộc đời. 

Đúng như tên gọi của cuốn sách, Hội chợ phù hoa là gì, nếu không phải một nơi mua bán những phù phiếm, xa hoa, một hội chợ tập nập kẻ bán, người mua - nơi toàn là sự phô trương mua bán, và mọi thứ đều là những món hàng để đem ra mặc cả.

Bằng tài năng của mình, Thackeray đã tái hiện chân thực thế giới thượng lưu giả dối, đầy rẫy những góc khuất xấu xa và đưa Hội chợ phù hoa trở thành tác phẩm hiện thực lớn của văn học châu Âu, và tác giả của nó được xếp ngang hàng với những nhà văn hiện thực xuất sắc như Dickens, Balzac. Thackeray viết về thói giả dối, bất lương để châm biếm, lên án những cái xấu, cũng chính là để gửi gắm độc giả hãy biết ghê tởm sự phù phiếm bề ngoài để trân quý những trung thực, thiện lương và hướng tới cái đẹp nội tại trong cuộc sống. 


An Sơn

Bạn có thể quan tâm