Mù lòa là cuốn tiểu thuyết siêu thực, đa nghĩa, đầy ẩn dụ được nhà văn José Saramago viết năm 1995. Năm 2008, Mù lòa được chuyển thể thành phim và chiếu mở màn tại Liên hoan phim Cannes. Đó là câu chuyện hư cấu về một thành phố kỳ lạ - thành phố bỗng dưng hóa mù.
Tác giả
Jose Saramago. |
Một người đàn ông hóa mù khi đang lái xe trên đường về nhà. Ông không bị lạc trong màn đêm đen đặc giống những người mù thông thường mà ông như “bị vướng vào trong sương mù hay ngã vào biển sữa”. Chẳng có một dấu hiệu báo trước, không đau đớn tổn thương, tất cả đến đột ngột và tự nhiên, không một nguyên nhân rõ ràng.
Đám người mù côn đồ tự cho mình quyền ức hiếp, cướp bóc từ miếng ăn đến tiền bạc của những người khác. Đê tiện hơn, chúng bắt phụ nữ phải bán rẻ linh hồn, phục vụ dục vọng tầm thường của chúng. Đến khi thoát được khỏi nhà thương điên, hành trình “trở về” với cuộc sống của các nhân vật trung tâm cũng đầy rẫy gian nan.
Căn bệnh mù trắng đã lan ra ngoài bốn bức tường của phòng giam, vỏ bọc của xã hội thành thị văn minh sụp đổ hoàn toàn và trở về trạng thái nguyên thủy man rợ. Toàn bộ cơ sở hạ tầng của thành phố bị phá hủy, mối liên kết giữa các cá thể trong cộng động sụp đổ hoàn toàn. Xác chết ngập đường, lương thực thiếu thốn, người nọ chiếm cứ nhà của người kia, ai cũng làm đủ mọi cách để sinh tồn, bất chấp việc chà đạp lên đồng loại…
Chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng ấy, vợ ông bác sĩ - người sáng mắt duy nhất đã có lúc thốt lên mong muốn được mù như mọi người, “mù nhưng thấy”. Không phải bỗng dưng tác giả mở đầu cuốn sách bằng câu đề từ: “Nếu ngươi có thể thấy, hãy nhìn. Nếu ngươi có thể nhìn, hãy quan sát”. Lời đề từ như tiếng sấm truyền từ một cuốn sách cổ xưa để lại, khiến người đọc không khỏi bàng hoàng, thảng thốt. Thì ra từ “thấy” đến “nhìn” và “quan sát” là cả một chặng đường dài về nhận thức mà không phải kẻ “mắt sáng” nào cũng làm được.
Cuốn sách Mù lòa. |
Nhưng thế giới mù lòa tăm tối ấy lại phản chiếu ánh sáng lấp lánh của nhiều nhân cách đẹp. Vợ ông bác sĩ - người duy nhất không bị mù - là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Bà sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ ai. Bà nhân hậu, thông minh, thấu hiểu và can đảm. Bà là ánh sáng, là lãnh đạo - người giải thoát cho đám người mù ấy và giúp họ hồi sinh.
Bên cạnh đó, tuyến nhân vật thiện cũng khiến câu chuyện khắc nghiệt trở nên ấm áp và thêm phần lãng mạn. Họ sẻ chia nhau từng miếng bánh mì thiu, một cốc nước tinh khiết. Họ dìu dắt nhau trốn khỏi trại thương điên. Họ không bỏ rơi đồng loại trong tình huống khốn khó.
Đặc biệt, một thứ tình cảm thiêng liêng đã xuất hiện và cứu rỗi linh hồn họ - tình yêu… Đằng sau thế giới tưởng chừng như tàn nhẫn và độc ác mà tác giả đã dựng lên là cả một niềm hi vọng mãnh liệt ẩn sâu trong mỗi con người. Đó chính là tinh thần nhân văn của tác phẩm.
Mù lòa giống như một câu chuyện ngụ ngôn giàu triết lý. Với lối viết tỉ mỉ, châm biếm, Jose Saramago đã cuốn hút người đọc vào từng trang sách, cười khóc với các nhân vật trong truyện. Hơn hết, Mù lòa đặt ra cho người đọc những triết lý nhân sinh cần suy ngẫm qua lời vợ ông bác sĩ nói trong phần kết của tác phẩm: “Em không nghĩ chúng ta đã hóa mù, em nghĩ từ trước đến giờ chúng ta vẫn mù, Mù nhưng nhìn được, Những người mù có thể nhìn được, nhưng không thấy”.