Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Mặt trời mù' - Bản giao hưởng u buồn của chiến trận

Day dứt, ám ảnh và nhiều ẩn dụ, nhưng đây đó vẫn nhẹ nhàng, bay bổng và đầy chất thơ. Chiến tranh trong văn của Malaparte lay động người đọc theo các rất riêng.

Năm 1940, cả châu Âu sôi sục vì Đệ nhị Thế chiến. Không còn là một nước trung lập, Italia bắt đầu lao vào vòng lửa đạn. Là một phóng viên thông tấn của quân đội Italia, Curzio Malaparte vô tình bị đẩy vào khói lửa chiến tranh. Từ những cuộc hành quân dài đằng đẵng cùng những người sơn binh, Mặt trời mù ra đời một cách thật tự nhiên. Cuốn tiểu thuyết là bản án chân thực và sống động để tố cáo những tội ác man rợ của chiến tranh.

Những đại tá Lavizzari, đại tá Magliano, thiếu tá Loffredo, Bristot, Belotti; những tiểu đoàn Elodo, Morbegno, Tirana, Verona; có quá nhiều cái tên, quá nhiều gương mặt người được Curzio Malaparte nhắc đến trong tiểu thuyết. Mỗi con người chỉ như cát bụi bị cuốn đi giữa trận cuồng phong. Độc giả sẽ thấy bất ngờ khi gấp cuốn sách lại nhân vật mà bạn nhớ nhất lại là một viên đại úy trẻ chẳng được nhắc tên.

Nhân duyên hay một mối giao cảm kỳ lạ nào đó đá khiến viên đại úy luôn dõi theo Calusia - một cậu sơn binh trẻ chăn bò, luôn đeo chiếc lạc bò trên cổ. Nếu không có chiến tranh, chắc chàng trai trẻ đó đang mải mê vắt sữa bò trên một đồng cỏ xanh, dưới ánh mặt trời ấm áp. Chiến tranh không chỉ cướp đi tự do, nó còn cướp đi cả mạng sống của Calusia. Cái chết của cậu đã ám ảnh đại úy đến tột độ. Anh ta dường như hóa điên trước cái chết của người sơn binh trẻ.

Tiểu thuyết Mặt trời mù

Không nói quá nhiều về súng ống và đạt pháo, chiến tranh trong Mặt trời mù không chỉ có những trận càn triền miên hết trang này đến trang kia. Bằng giọng văn nhẹ nhàng, bình thản, có phần sắc lạnh, Curzio Malaparte miêu tả sự tàn khốc của cuộc đại chiến với những hình ảnh đầy ẩn dụ và không kém phần lay động.

Đó là những ngôi làng tiêu điều, xơ xác. Những chuồng gia súc bỏ không, sót lại mấy con lừa già giữa đống hoang tàn. Dưới chân chúng, con chó gầy trơ xương hếch mõm ra như chờ đợi. Đoàn sơn binh đói khát và mệt mỏi với những vết thương đang túa máu, nhiễm trùng và mưng mủ. Người đọc sẽ cảm thấy sự tù túng của chiến trận và cái chết như chực nuốt chửng những binh lính tội nghiệp.

Nhưng đó không phải là tất cả! Nếu ví Mặt trời mù như một “bản giao hưởng” thì đây đó vẫn có những khúc nhạc réo rắt, thi vị như một bài thơ. Không bị bủa vây bởi chinh chiến, đạn bom và chết chóc, tác giả vẫn dành những khoảng lặng giữa hai trận càn để miêu tả cho người đọc vẻ đẹp hùng vĩ mà thơ mộng của vùng núi Alpes. Nơi đó có những đỉnh tuyết phủ, mặt trời chiếu xuống làm thành một thứ ánh sáng màu xanh dịu. Những rừng thông xanh ngắt đặc trưng của vùng Bắc Âu, hay bầu trời màu lụa hiện ra màu lụa mỗi buổi bình minh.

Khung cảnh lãng mạn và tinh tế ấy xen lẫn vào trong cuốn tiểu thuyết như để làm dịu đi mùi thuốc súng và sự lạnh lẽo của cái chết đang đặc quánh. Không nói nhiều, không lập thuyết, nhà văn người Italia đã khéo léo để lại cho người đọc những ẩn dụ để suy ngẫm. Phải chăng, bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ đó cũng là một ẩn dụ. Một khát vọng về hòa bình được ngụy trang một cách tinh tế.

Bản thân Curzio Malaparte đã từng là một người lính tham gia trận mạc. Năm mười sáu tuổi ông đã trốn khỏi trường học, đi bộ xuyên qua biên giới ở Vintimille để sang Pháp gia nhập đoàn quân tình nguyện. Mặt trời mù được độc giả biết đến lần đầu năm 1941, dưới hình thức truyện dài kì đăng trên tạp chí Thời đại của Italia. Khi đó, cuốn tiểu thuyết vấp phải sự kiểm duyệt gắt gao và đã bị cắt bỏ một số chương.

Nhưng không có sự kiểm duyệt nào có thể giết chết một tác phẩm lớn. Hơn bảy mươi năm qua, Mặt trời mù vẫn tồn tại như một tượng đài trong nền văn học Italia. Tác phẩm là bản cáo trạng đanh thép mà không kém phần bay bỏng để luận tội chế độ phát xít và cuộc đại chiến.


Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm