Theo SCMP, một phụ huynh họ Trương tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc đã vô tình tạo nên cơn sốt mua robot viết tay. Mặc dù bận rộn đi chúc Tết và du lịch, bà Trương rất ngạc nhiên khi cô con gái 15 tuổi của mình hoàn thành bài tập chép chỉ trong 2 ngày, và chữ viết lại rất đẹp.
Chỉ đến khi dọn phòng con, bà Trương mới nhìn thấy một thiết bị rất lạ: nó có khung thép và gắn bút, còn hộp thì ghi “có thể giả được chữ viết tay”.
Robot chép tay đang là đồ công nghệ rất được quan tâm tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Thì ra cô bé đã dùng tiền lì xì để mua chiếc máy có giá 800 tệ, tương đương 2,75 triệu đồng. SCMP cho biết bà Trương đã tức giận, đập máy và mắng con “máy này có thể làm bài tập, nhưng có giúp con làm được bài kiểm tra không”.
Các bài tập chép rất phổ biến tại trường học ở Trung Quốc. Bài tập chép giúp cho học trò luyện chữ, đồng thời giúp học từ mới, nhớ thơ ca. Mặc dù con gái bà Trương bị mắng mỏ, phương pháp dùng máy để giả chữ chép tay lại được rất nhiều người hưởng ứng.
Một số người dùng mạng xã hội than rằng họ chỉ mong có được chiếc máy này thời còn đi học. Vài người lại cho rằng tuy không tự động hóa được như vậy, nhưng trước đây họ cũng từng gắn 3, 4 chiếc bút vào một khung rồi viết để viết được vài dòng cùng lúc.
Những cỗ máy này có thể viết ra các ký tự nhập lên máy tính, không biết mệt mỏi và hoạt động nhiều năm liền. Ảnh: SCMP. |
Trên trang web Taobao, những con robot chép tay được bán với giá từ 200-1.000 tệ. Một shop có tên LichTech còn làm video giải thích chúng hoạt động như thế nào. Sau khi nối với máy tính qua cổng USB, robot sẽ điều khiển bút viết theo những ký tự được nhập trên máy.
Một số loại robot thậm chí còn cho phép chọn phông chữ, hoặc nhái lại cách viết của chính người dùng. Để robot nhái lại chữ của mình, người dùng cần tự viết khoảng 6.000 từ vào trong một ứng dụng để robot học cách viết.
Sau sự việc của bà Trương, robot chép chữ bán chạy hẳn. Một người bán hàng họ Vương cho biết cửa hàng của cô đã hoạt động được 3 năm, nhưng gần đây bán tốt hơn trước nhiều.
“Robot có thể viết 8 giờ mỗi ngày, và dùng được từ 2-3 năm”, bà Vương cho biết.
Một số loại robot còn có ứng dụng để học cách viết tay của từng người. Ảnh: SCMP. |
Nhóm trao đổi do LichTech tạo ra trên ứng dụng QQ hiện có 800 thành viên, và hầu hết cho biết họ quan tâm đến robot sau khi đọc tin. Một thành viên cho biết cô là giáo viên, và đã dùng máy tới hơn 1 năm. Cô mua loại robot có thể nhái chữ của mình, dành 1 tuần để viết 6.000 từ, và bây giờ chẳng ai phân biệt được chữ do cô viết hay máy viết.
Trên Weibo, chủ đề nói về vụ này đã nhận được tới 3.000 ý kiến. Nhiều người cho rằng học sinh không nhất thiết phải chép lại chữ, và ngành giáo dục nên cải tiến để ra bài tập mới lạ hơn.
“Những người làm giáo dục cần nhìn lại sau sự vụ này. Vì sao chúng ta vẫn bắt học sinh làm một thứ mà robot có thể làm được”, một thành viên bình luận.