Một bài tập mà giáo viên Saara Martikka ở Phần Lan thường giao cho học sinh của mình là đánh giá độ tin cậy của thông tin. Cô sẽ giao cho các em học sinh lớp 8 một loại bài báo, yêu cầu các em thảo luận xoay quanh 3 câu hỏi: Mục đích của bài báo này gì là? Bài báo đã được viết khi nào và như thế nào? Luận điểm chính tác giả đưa ra là gì?
“Không phải cứ là tin tốt thì sẽ đúng sự thật”, cô giáo nói.
Trong một buổi học khác cô Martikka còn chiếu 3 đoạn video TikTok và bảo học sinh bàn luận về mục đích làm video và những hiệu ứng mà họ đã sử dụng trong video. Không chỉ Martikka, các giáo viên khác ở Phần Lan cũng đặt mục tiêu giúp học sinh học được cách phát hiện tin giả trong các môn học của mình.
Quốc gia đứng đầu về khả năng nhận diện tin giả
Theo New York Times, Phần Lan đã 5 lần liên tiếp giành vị trí dẫn đầu trong cuộc khảo sát về khả năng nhận diện tin giả trong các nước châu Âu. Cuộc khảo sát được tổ chức hồi tháng 10/2022 bởi Viện Xã hội Mở ở Sofia, Bulgaria theo các tiêu chí về quyền tự do báo chí, lòng tin xã hội và điểm kỹ năng đọc, hiểu biết về khoa học, toán học.
Cũng trong bảng xếp hạng này, Georgia, Bắc Macedonia, Kosovo, Bosnia và Herzegovina, Albania là những quốc gia dễ bị tin giả tác động nhất.
Trong giờ học, các học sinh được giao bài tập rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, phân biệt tin giả. Ảnh: New York Times. |
Đại diện chính phủ nói rằng thành tựu của Phần Lan không chỉ là nhờ hệ thống giáo dục vượt trội so với thế giới mà còn đến từ nỗ lực hướng dẫn kỹ năng phòng chống tin giả cho học sinh của các giáo viên.
Theo New York Times, học và hiểu về truyền thông (media literacy) là một kỹ năng bắt buộc mà học sinh ở Phần Lan được học từ trường mầm non.
“Mọi nội dung giảng dạy dù là giáo dục thể chất, toán học hay ngôn ngữ, giáo viên cũng phải cân nhắc về việc lồng ghép kiến thức nhận diện truyền thông dành cho giới trẻ”, Leo Pekkala, Giám đốc Viện Nghe nhìn Quốc gia của Phần Lan, cho biết.
Ở Phần Lan, 76% người dân tin rằng các tờ báo in hoặc trang báo điện tử đều đáng tin, theo số liệu của công ty nghiên cứu IRO Research. Quốc gia này có rất nhiều lợi thế trong công tác chống tin giả. Hệ thống trường công của Phần Lan thuộc top đầu thế giới. Học sinh có thể theo học cao đẳng mà không mất phí. Người dân luôn tin tưởng vào chính quyền và trọng vọng nghề giáo.
Hơn hết, chỉ có 5,4 triệu người nói tiếng Phần Lan nên những bài báo có thông tin sai lệch, được viết bởi những người ngoại quốc sẽ rất dễ bị phát hiện bởi những lỗi chính tả, ngữ pháp, ông Pekkala cho biết.
Trang bị kiến thức để học sinh không sa lầy vào tin giả
Với yêu cầu lồng ghép kiến thức về truyền thông vào bài giảng, các giáo viên tại Phần Lan luôn cân nhắc kỹ lưỡng khi lên giáo án môn học. Cô giáo Martikka chia sẻ cô đã giao bài tập yêu cầu học sinh tự cắt ghép video và hình ảnh để giúp các em nhận ra quá trình thao túng thông tin bằng những công cụ này rất đơn giản.
Anna Airas, một giáo viên khác ở thủ đô Helsinki, cho biết cô đã cùng học sinh tra cứu từ khóa “vaccination” (tiêm chủng) để xem cách thức thuật toán hoạt động và tìm ra nguyên nhân các kết quả xuất hiện đầu tiên chưa chắc là thông tin chính xác nhất.
Phần Lan đã xây dựng mục tiêu giáo dục kỹ năng truyền thông cho người dân cả nước từ năm 2013 và mở rộng kế hoạch này lên thành kỹ năng phát hiện tin giả trong những năm gần đây.
Các em được xem TikTok để hiểu rõ cách thuật toán vận hành và những nhà sáng tạo nội dung đang thao túng thông tin như thế nào. Ảnh: New York Times. |
Theo New York Times, mặc dù trưởng thành trong thời đại mạng xã hội bùng nổ, giới trẻ ngày nay chưa chắc đã biết cách nhận dạng và đấu tranh với những video hay tin tức xuyên tạc chính trị trên TikTok.
Một nghiên cứu của Journal of Developmental Psychology năm ngoái đã chỉ ra thanh thiếu niên là độ tuổi dễ bị các thuyết âm mưu dắt mũi nhất. Trong đó, nguyên nhân lớn đến từ mạng xã hội, nguồn ảnh hưởng nhiều đến niềm tin và hiểu biết về thế giới của chúng.
Về phía Phần Lan, chính phủ nước này lại cho rằng học sinh mới là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất. Do đó, họ đã tổ chức nhiều chương trình hướng đến học sinh cùng với các thư viện hướng dẫn người lớn tuổi nhận diện thông tin sai lệch trên Internet, ông Pekkala cho biết.
Song, với các giáo viên, việc xây dựng chương trình học tích hợp rất khó khăn. “Việc giảng về văn chương hay những chuyên môn mà chúng tôi đã nghiên cứu từ lâu, dễ dàng hơn rất nhiều”, Mari Uusitalo, giáo viên dạy cấp 3 ở Helsinki, chia sẻ.
Cô đã quyết định hướng dẫn kỹ năng cho các em từ những bước đơn giản nhất. Cô chỉ ra sự khác biệt giữa những thông tin các em nhìn thấy trên báo chí chính thống và trên TikTok. “Chúng sẽ không hiểu tin giả là gì nếu không nhận ra mối quan hệ giữa mạng xã hội và báo chí”, cô nói.
Với kinh nghiệm 16 năm trong nghề, Uusitalo cho rằng khả năng đọc hiểu của học sinh đang ngày một giảm sút vì chúng ít dành thời gian cho việc đọc sách mà thay vào đó là chơi game hoặc xem video. Với kỹ năng đọc hiểu kém, dễ bị xao nhãng, học sinh sẽ dễ tin nhầm vào tin giả hoặc không có đủ vốn kiến thức để nhận diện thông tin sai lệch.
Do đó, mục tiêu của cô là dạy học sinh cách phân biệt giữa sự thật và hư cấu. “Tôi không thể ép học sinh nghĩ giống mình. Thay vào đó, tôi trao chúng phương pháp để có quan điểm riêng của bản thân”, Uusitalo nói.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.