Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học sinh cứu quốc trường Khải Định

Từ khi Nhật tràn vào, không khí lớp học thay đổi hẳn. Chúng tôi không thiết học hành và tôi gia nhập đoàn học sinh cứu quốc trường Khải Định.

Trường Khải Định. Ảnh: AAVH.

Ba tôi sai người hỏa tốc lên Đà Lạt đưa tôi về Phan Rí. Ở đây, không còn trường học, ngày ngày học nấu ăn với bác bếp, học may vá thêu thùa với má tôi. Thật lòng tôi không thích kiểu sống này nhưng đành nghe theo.

Cho đến một hôm, má tôi nhận được một lá thư từ Huế. Dì Phan Tây báo tin là các trường Khải Định và Đồng Khánh đã mở lại, dạy bằng tiếng Việt đến cấp tú tài. Dì sẵn sàng cho tôi ở trọ. Tôi hồi hộp đợi chờ.

Từ Phan Rí về Huế

Tháng 4/1945, tôi rời Phan Thiết đi tàu hỏa ra Huế. Con đường dài gần tám trăm km, tôi được ba má mua cho vé có giường nằm. Chỉ có má tôi đưa tôi ra sân ga, cầm tay mãi không rời. Chưa bao giờ đi xa một mình, tôi bật khóc.

Tàu dừng ở tất cả ga xép. Nơi nào lính Nhật cũng đi thành từng đàn, lăm lăm nhìn vào các toa, lưỡi lê rút khỏi bao sáng nhoáng. Đến ga Huế, nhốn nháo cảnh người đưa đón, dượng Phan Tây nhanh chóng tìm được tôi đang đứng ngơ ngác ở cửa lên xuống của toa xe. Dượng là đốc công của nhà máy Đèn Huế, nhà máy S.I.P.E.A.

Nhà dượng nằm trong một con hẻm đường An Cựu, gần cầu Kho Rèn, sát nhà máy Đèn. Lần đầu tiên, tôi sống trong một xóm lao động. Nhà rộng ba gian, lợp mái tranh, không có phòng tắm riêng.

Một cái lu thật to đầy nước với hai cái gáo dừa và cứ thế lần lượt cả gia đình thay nhau tắm sáng, chiều. Dì tôi dạy cách nấu xôi đậu xanh, xôi đậu đen, làm muối mè, làm tôm kho rim và cách nắm cơm thật mịn trong mo cau... Vì phải ở lại trường vào buổi trưa, tôi tự mình phải lo liệu bữa cơm đem theo.

Cứ cách hai tuần, tôi ra bến sông An Cựu tự giặt lấy quần áo, chăn màn. Cuộc sống thay đổi quá nhanh. Có những đêm chợt tỉnh giấc, tiếng rao văng vẳng cuối xóm: “Ai chè đậu xanh đậu ván, bánh tráng chè kê khô...ông?”.

Sáng hôm sau, tôi hỏi dượng Phan Tây: “Sao đêm họ không ngủ mà đi rao cái gì vậy?”. Dượng tôi lắc đầu: “Con lớn rồi mà chẳng biết cái gì cả. Đây không phải là Đà Lạt của các con đâu. Họ phải đi kiếm ăn đấy, con ơi”.

Trong những tháng đầu học tại trường Khải Định với chương trình bậc trung học dạy bằng tiếng Việt, tôi khá lúng túng, nhất là với môn Toán và Văn. Nhưng không phải chỉ học sinh mới gặp khó khăn.

Thầy B. dạy môn Văn lớp tôi có lần giảng về Kiều, đang say sưa tả nhân vật Từ Hải, thầy bỗng ngập ngừng: “Từ Hải là một... là một... là một... Chevalier!”. Hôm sau đến tiết Văn, thầy ôn tồn: “Xin lỗi, hôm qua tôi không tìm được chữ”. Rồi cao giọng: “Từ Hải là một hiệp sĩ!”.

Hay thầy H. dạy Toán, có lần lên bảng viết một công thức về đại số dài dằng dặc rồi chứng minh bằng tiếng Pháp lưu loát. Cho tới khi tiếng chuông báo tan giờ học thầy mới dừng lại: “Ồ, xin lỗi. Tiết sau tôi sẽ giảng lại bằng tiếng Việt”.

Nhưng cũng chỉ vài tháng sau đó, thầy trò chúng tôi bớt hẳn vấp váp.

Xếp bút nghiên

Từ khi Nhật tràn vào, không khí lớp học thay đổi hẳn. Một số thầy mà chúng tôi kính trọng không đến trường nữa. Chúng tôi không thiết học hành và tôi gia nhập đoàn học sinh cứu quốc trường Khải Định.

Các lớp học từ nay ít tiếng giảng bài nhưng luôn luôn vang dội lời ca: “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu. Xếp bút nghiên coi thường công danh như phù vân...” hay “bao năm ròng rên xiết lầm than...” hay “Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường” của các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao.

Thỉnh thoảng lại có một cuộc chia tay. Một bạn đứng lên: “Xin tạm biệt các bạn, ngày mai tôi lên chiến khu...”.

Năm 2001, trong một buổi nói chuyện ở Texas về quyển hồi ký Áo dài, một nhà báo Mỹ hỏi tôi: “Bà sinh ra trong một gia đình thân Pháp, ông cụ thân sinh ra bà là người làm cho chính quyền Pháp, bà học trường Pháp. Tại sao bà lại đi theo Việt Minh?”.

Tôi muốn kể lại cái không khí hào hùng, náo nức, của hàng chục vạn người từ các huyện, xã, thôn, rầm rập kéo về thành phố Huế mừng vui đón chào chính quyền mới.

Cũng như họ, những học sinh vào tuổi mười sáu, mười bảy chúng tôi sẵn sàng rời bỏ gia đình, đồng lòng muốn đuổi quân xâm lược. Nguyện vọng của chúng tôi lúc bấy giờ chỉ có bảy chữ “Giành lại độc lập cho đất nước”.

Lúc ấy, dượng tôi mới cho biết mình là cán bộ Việt Minh, lâu nay bí mật hoạt động chống Pháp, chống Nhật. Dượng giao cho tôi những lá cờ Việt Minh nhỏ, dặn đưa đến một địa điểm ở chợ Bến Ngự. Tôi cho các lá cờ, dần dần sau đó là dây điện, là truyền đơn vào cặp đi học, rồi bình tĩnh đi qua cầu Kho Rèn, trước mặt những tên lính Nhật đang bồng súng, hầm hầm xét người qua lại.

Nghe lời cậu, tôi nâng chiếc nón lá, khẽ cười, cúi đầu chào chúng. Có tên mỉm cười lại. Cô nữ sinh áo trắng là tôi bình tĩnh đi qua. Hàng chục lần như vậy, tôi làm nhiệm vụ đầy đủ với dượng tôi và tự hào quá đỗi về sự đóng góp của mình.

Có hơi hồi hộp nhưng khi dượng tôi dặn: “Nếu Nhật nó bắt con lại thì con vứt ngay cái cặp xuống sông”. Tôi tin cậy vào dượng nên không hề do dự tí nào.

Xuân Phượng / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

SÁCH HAY