Học giả quốc tế ngợi khen bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam
Geoffrey Till, tác giả cuốn Bành trướng hải quân ở châu Á, nhận định Thủ tướng Việt Nam khôn ngoan khi không trả lời câu hỏi “rất hung hăng” của đại diện Trung Quốc về những trường hợp vi phạm luật quốc tế.
Theo ông, câu hỏi như một cái bẫy và câu trả lời có thể dẫn hội nghị tới không khí đối đầu, căng thẳng trong các trao đổi sau đó.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái) nói chuyện với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (phải) tại Đối thoại Shangri-La. |
Phần lớn học giả có mặt tại Shangri-La nhận xét tích cực về thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về xây dựng “lòng tin chiến lược”, đặc biệt là giữa các nước lớn như cách để xây dựng ổn định, hòa bình và thịnh vượng ở khu vực.
“Nhìn tổng thể đó là bài diễn thuyết rất tốt. Tôi nghĩ những gì Thủ tướng Việt Nam nói là hoàn toàn đúng đắn. Tôi nghĩ đó là cách duy nhất mà các nước ở Biển Đông còn mâu thuẫn về lãnh hải có thể giải quyết mâu thuẫn hiện tại. Chúng ta cần tìm cách để có một thỏa thuận nào đó”, Giáo sư Geoffrey Tillnhấn mạnh.
“Tôi đã tham gia cuộc thảo luận chuyên đề về “Tránh các sự cố trên biển” trong ngày hôm nay (1/6) và ở đó mọi người lại bàn về việc xây dựng “lòng tin chiến lược” như là cơ sở đầu tiên (để tránh sự cố trên biển) - GS Till cho biết - Thiếu tin tưởng dẫn tới thiếu thỏa thuận về những vấn đề mâu thuẫn. Vì vậy cách thật sự để đạt được niềm tin chính là xây dựng các thỏa thuận”.
Trong khi đó, GS Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, một nhân vật rất am hiểu các vấn đề quốc phòng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định: “Thủ tướng Việt Nam gây ngạc nhiên cho nhiều người với những bình luận rất thẳng thắn ngay ở đầu bài phát biểu. Dù ông không nêu tên nước nào nhưng mọi đại biểu đều biết đó là những nước nào”. GS Carl kể rằng ông có hỏi một loạt chuyên gia và quan chức ngồi cùng bàn với mình về thông điệp của Việt Nam thì “nhìn chung phản ứng đều rất tích cực. Thủ tướng đã trình bày rất tốt”, đặc biệt khi ông là “nhà lãnh đạo Việt Nam đầu tiên thảo luận các vấn đề chính sách đối ngoại, an ninh quốc gia và quốc phòng tại một diễn đàn lớn như thế này”.
GS Carl Thayer tiết lộ rằng Cao ủy của New Zealand và các quan chức Mỹ “đặc biệt hài lòng với thông báo của Thủ tướng Việt Nam về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình” vì họ “nhanh chóng ghi chú lại khi nghe điều đó”. Theo ông, các quan chức Mỹ “nhìn chung hài lòng về bài phát biểu và định hướng của quan hệ Việt - Mỹ”.
Riêng đại diện của Philippines, ông Rommel C.Banlaoi, Phó chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu về Trung Quốc ở Philippines, chia sẻ rằng ông mong Thủ tướng “làm rõ quan điểm của Việt Nam hơn đối với vụ kiện của Philippines nhằm giải quyết hòa bình vấn đề ở biển Đông”. Ngoài ra, ông cũng muốn nghe lộ trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) mà phía Việt Nam muốn thực hiện.
Theo Tuổi Trẻ