Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học giả quốc tế bàn về tác động từ quan hệ Mỹ - TQ tới ASEAN

Học giả tham gia hội thảo về ASEAN và quan hệ Trung – Mỹ tại Hà Nội nhận định châu Á-TBD đang có những thay đổi cơ bản về cấu trúc quyền lực và chịu ảnh hưởng từ hai nước lớn.

Hội thảo quốc tế ASEAN và quan hệ Trung – Mỹ: Những chuyển động mới và tác động tới khu vực do Viện Konrad Adenauer Stiftung kết hợp với Học viện Ngoại giao Hà Nội tổ chức sáng 10/3 tại Hà Nội. Nhiều học giả từ Australia, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Việt Nam tới tham gia hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo quốc tế ASEAN và quan hệ Trung – Mỹ: Những chuyển động mới và tác động tới khu vực. Ảnh: 

Lê Hiếu 

Biển Đông - điểm nóng trong quan hệ ASEAN-Mỹ-Trung

Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Carlyle A. Thayer thuộc Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, nhấn mạnh, vấn đề toàn cầu nói chung và Biển Đông nói riêng sẽ có nhiều biến động trong năm nay, mức độ căng thẳng có nguy cơ tăng gia tăng trong thời gian tới. Ngoài ra, Trung Quốc tuyên bố mở rộng lợi ích cốt lõi của nước này khiến các nước trong khu vực cảm thấy bất an.

Đề cập tới việc Trung Quốc bồi lấp các đảo nhân tạo trái phép và triển khai các thiết bị quân sự ở Biển Đông, giáo sư Thayer cho rằng chúng đều đi ngược lại cam kết không quân sự hóa vùng biển này mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nêu khi tới thăm Mỹ.

Ông Thayer chỉ rõ 4 nhân tố đang thôi thúc Trung Quốc tăng cường hoạt động trên Biển Đông. Chúng bao gồm: tòa Trọng tài ở Hà Lan dự kiến ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông trước tháng 5; bầu cử tổng thống Philippines vào tháng 5, hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ tại Biển Đông; bầu cử Mỹ tháng 11.

Giáo sư Carlyle A. Thayer phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hồng Duy

“Biển Đông là điểm nóng trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong thời gian tới. Căng thẳng sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi được cải thiện”, ông Thayer nhấn mạnh.

Giáo sư cho rằng, ASEAN đang tìm cách cân bằng mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã và đang trải qua những thay đổi cơ bản về mặt tổ chức và cấu trúc quyền lực kể từ sau Chiến tranh Lạnh, đồng thời chịu ảnh hưởng không nhỏ từ mối quan hệ giữa hai nước lớn. 

Trong khi đó, Biển Đông ngày càng trở thành vấn đề mang tính thách thức đối với vị trí trung tâm của ASEAN. Giáo sư Thayer đề xuất một số cách để ASEAN giải quyết vấn đề. “ASEAN cần cùng các bên định nghĩa rõ hơn về khái niệm quân sự hóa, sử dụng các kênh như Sáng kiến minh bạch hàng hải của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), tiếp tục triển khai Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) đồng thời nhanh chóng hợp tác để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”, ông Thayer nói.

Trung Quốc tìm cách khai thác điểm yếu đối phương

Tại hội thảo, Giáo sư Su Hao của Đại học Ngoại giao Trung Quốc, cũng đưa ra quan điểm về những chuyển động mới trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Su thừa nhận, Mỹ và Trung Quốc đang trong quá trình đối đầu trên trường quốc tế. Theo học giả Trung Quốc, thế giới đang bước vào một hình thái mới, làm thay đổi các mối quan hệ như truyền thống của Mỹ và Trung Quốc.

Giáo sư Su Hao của Đại học Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: Hồng Duy

Các mối quan hệ và phát triển dựa trên cơ sở đất và biển nhưng ngày nay thiên nhiều về đại dương. Biển hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình tương tác, giao lưu giữa các lục địa. Tuy nhiên, quan hệ kiểu mới sẽ tạo ra sự bất đồng giữa các nước lớn.

Dẫn chứng về tầm quan trọng của đại dương, ông Su nhắc đến các nước thực dân phương Tây trong quá trình mở rộng sang phía đông. Nó chứng tỏ vai trò trong hai cuộc thế chiến, chiến tranh Lạnh hay thời kỳ hậu chiến tranh Lạnh. Theo ông Su, việc biến đổi sang hình thái mới là sự biến đổi phù hợp, giúp thay đổi thế giới đơn cực. Ông gọi đây là "sự đảo chiều vĩ đại của lịch sử". Các cường quốc mới nổi sẽ có vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.

ASEAN cần tinh tế hơn

Trong khi đó, trao đổi với Zing.vn bên lề hội nghị, Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Học viện Ngoại giao), nhận định, ASEAN cần tinh tế hơn trước biến chuyển trong quan hệ Mỹ - Trung.

"Sự cạnh tranh ngày càng tăng và mất niềm tin chiến lược Mỹ -  Trung Quốc đang đặt các nước ASEAN vào thế khó xử. Tình hình này đòi hỏi ASEAN khôn khéo và tinh tế hơn trong ứng xử", ông nói.

Tiến sĩ Trần Việt Thái nhấn mạnh, các hành động gần đây như Trung Quốc cải tạo đảo, Mỹ tuần tra, đặt ra các vấn đề mới khó khăn cho ASEAN trong quá trình cân bằng với các nước. 

Ông đồng tình với quan điểm của giáo sư Carl Thayer khi cho rằng Trung Quốc đang tận dụng cơ hội khi Mỹ và Philippines chuẩn bị tổ chức bầu cử, Washington thực thi mạnh mẽ hơn quyền tự do hàng hải và Tòa Trọng tài sẽ ra phán quyết về vụ kiện giữa Manila và Bắc Kinh về Biển Đông, Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động trên vùng biển này.

"Trung Quốc luôn tìm cách khai thác những điểm yếu của cơ chế trong khu vực cũng như công việc nội bộ của các nước khác nhằm thúc đẩy những điều có lợi cho riêng mình", tiến sĩ nói.

Theo ông, vấn đề hiện nay là ASEAN cần tìm cách phối hợp để không tạo ra điểm sơ hở và điểm yếu. Ông nêu ví dụ, Hội nghị cấp cao Sunnylands sẽ tạo ra cơ chế chế thúc đẩy nhằm chia sẻ thông tin, tìm cách hạn chế khó khăn mà các nước bên ngoài có thể lợi dụng. 

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Ngoại giao nhận định, ASEAN chưa có ý định phát triển các lực lượng quân sự và chính sách quốc phòng chung vì còn nhiều nghi ngại. Nhưng ASEAN có các cách khác xử lý các vấn đề đang nảy sinh. Đó là thông qua đối thoại, đẩy mạnh Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), trong đó mở ra các cơ chế hợp tác khác, thúc đẩy sự tương đồng về lợi ích, đặc biệt là kinh tế thương mại. 

"Thời gian tới, thực hiện đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN giai đoạn 2016-2020 sẽ tạo ra nhiều dự án mới. Mỹ sẽ tích cực hỗ trợ ASEAN,  giúp khối xây dựng năng lực, các cơ chế thực thi pháp luật trên biển, đặc biệt hỗ trợ cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư nhằm giám sát các hoạt động trên biển, chứ không phải các hoạt động quân sự. Từ đó, ASEAN có năng lực tốt hơn trong việc giám sát các hoạt động, đối phó tốt hơn với tình huống bất thường có thể xảy ra trên biển. Điều này rất có lợi cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam", ông nói.

Đầu giờ chiều, các học giả thảo luận về vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế an ninh khu vực trong bối cảnh chuyển động mới trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc và phương thức để ASEAN cân bằng trong quan hệ Trung - Mỹ trong bối cảnh mới.

ASEAN cần duy trì vị trí trung tâm trong quan hệ Mỹ - Trung

Đó là nhận định của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, khi trao đổi với Zing.vn bên lề Hội thảo ASEAN và quan hệ Trung - Mỹ ngày 10/3 tại Hà Nội.






Hồng Duy - Hải Anh

Bạn có thể quan tâm