Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 208/TB-VPCP ngày 6/6 thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thông báo nêu Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua, được Thường trực Chính phủ cho ý kiến trước đây (Thông báo số 348/TB-VPCP ngày 24/12/2021). Bộ Giao thông Vận tải đã cùng các cơ quan, địa phương liên quan tiếp thu ý kiến Thường trực Chính phủ và đã tiếp tục hoàn thiện hồ sơ quy hoạch.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác 1121 để nghiên cứu khả năng tổ chức khai thác hàng không dân dụng tại các sân bay quân sự Biên Hòa và Thành Sơn, đề xuất sơ bộ phương án tổ chức khai thác trong trường hợp bổ sung vào quy hoạch, báo cáo Thường trực Chính phủ việc nghiên cứu, xem xét chuyển các sân bay quân sự thành các sân bay lưỡng dụng.
Đến nay, quy hoạch đã hoàn thiện, bảo đảm căn cứ chính trị và căn cứ pháp lý. Quy hoạch đã tiếp thu đầy đủ ý kiến Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội khóa XV về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch phải đảm bảo tính chủ động, linh hoạt trong điều hành, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó bám sát chỉ đạo tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội là "Trên cơ sở định hướng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương, nghiên cứu, đề xuất xây dựng các sân bay chuyên dùng gắn với các vùng sản xuất, trung tâm du lịch quy mô lớn; tận dụng, phục hồi nhanh các sân bay cũ, sân bay quân sự phục vụ lưỡng dụng".
Trên cơ sở các nguyên tắc trên đây, Thường trực Chính phủ đồng ý Tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thống nhất thông qua nội dung Quy hoạch.
Thường trực Chính phủ lưu ý nội dung quy hoạch bảo đảm đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trong từng thời kỳ quy hoạch. Các sân bay tiềm năng của các địa phương có thể được đầu tư xây dựng khi đủ điều kiện, có nhu cầu và nhất là huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện; các sân bay chuyên dùng của các lực lượng vũ trang sẽ được xem xét sử dụng lưỡng dụng phục vụ cho phát triển cả kinh tế và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Dự thảo Quyết định phê duyệt cần có một danh mục các sân bay tiềm năng làm cơ sở triển khai ngay khi có nhu cầu và đáp ứng các điều kiện quy định; nghiên cứu bổ sung điều khoản cho việc đưa ra khỏi quy hoạch các cảng hàng không, sân bay khi không triển khai được và bổ sung các cảng hàng không, sân bay khi có nhu cầu và đủ điều kiện thực hiện ngay.
Thường trực Chính phủ đồng ý xem xét, bổ sung sân bay Gia Bình của Bộ Công an (đã được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích an ninh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tại văn bản số 489/TTg-NN ngày 4/6/2022) vào danh mục các sân bay tiềm năng và duyệt quy hoạch bổ sung chính thức khi đủ điều kiện, đúng thẩm quyền để thực hiện ngay.
Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu đầy đủ ý kiến tại cuộc họp, hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thường trực Chính phủ giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 trước ngày 7/6/2023.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.