Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Họa sĩ Việt kể chuyện vẽ minh họa cho New Yorks Times

Họa sĩ Trần Hồng Nguyên cho rằng, để làm việc được trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt như báo New York Times cần phải nỗ lực, sáng tạo không ngừng.

Trong thời gian về nước thăm gia đình, họa sĩ Trần Hồng Nguyễn đã dành thời gian chia sẻ cùng Zing.vn về những điều thú vị, khó khăn khi làm việc tại một trong những tờ báo lớn nhất thế giới.

Họa sĩ Trần Hồng Nguyên. Ảnh: NVCC

- Sinh ra trong gia đình có truyền thống báo chí, từ nhỏ, mơ ước của anh cũng là làm việc trong ngành báo chí?

- Không, hồi nhỏ tôi không mơ ước gì cao xa, chỉ mong học cho lên lớp. Ngay cả chuyện vẽ vời cũng phải đến cuối năm lớp 12 khi các bạn bè đã xác định chọn nghề và luyện thi rất lâu rồi, tôi mới cuống cuồng đi học vẽ. Sở dĩ tôi không biết chọn gì vì không thấy mình giỏi môn nào cả.

- Anh đến với nghề vẽ minh họa báo như thế nào?

- Sau khi tốt nghiệp đại học Mỹ Thuật TP HCM, tôi đi học 2 bằng thạc sĩ minh họa tại Savannah College of Art and Design để phát triển thêm về những nghề mà khi đó trong nước chưa có đào tạo chính quy. Trong khi học thì sinh viên có cơ hội tiếp xúc với giám đốc sáng tạo của New York Times. Từ cuộc gặp đó, tôi bắt đầu có cơ hội làm việc cho nhiều tờ báo trong và ngoài nước như: Portland State University hay các ấn phẩm của tạp chí ELLE.

- Lần đầu gặp Giám đốc sáng tạo của báo New York Times, anh làm thế nào để được họ chú ý và mời cộng tác?

- Tôi đưa cho ông giám đốc xem hồ sơ của mình như mọi sinh viên khác và vô cùng bất ngờ khi được ông ấy lựa chọn. Tôi còn nhớ đó là tác phẩm Pinboy với hình ảnh minh họa cho nỗi vất vả trong công việc phục vụ trong khu chơi bowling. Tác phẩm đầu tiên trên tờ báo hàng đầu thế giới lại vào đúng ngày sinh nhật của mình - 20/5 nên với tôi đó là kỷ niệm khó quên.  

Để vẽ được bức tranh đó, tôi lo lắng, cảm giác vắt kiệt sức lực để nghĩ ra ý tưởng. Đêm đó, tôi hầu như không ngủ để thực hiện. Tôi biết rằng, nếu cơ hội này mình không giữ được thì sẽ khó có cơ hội tiếp theo. 

- Cộng tác với tờ báo lớn hàng đầu thế giới, khiến anh gặp phải những khó khăn, áp lực gì?

- Làm việc với New York Times đem lại cho tôi nhiều cơ hội, được biết đến rộng rãi, tăng thêm sự tự tin, phấn khích, không ngừng sáng tạo và tất nhiên là có tiền để sống.

Bên cạnh đó là rất nhiều khó khăn, áp lực. Chẳng hạn, để hòa nhập với môi trường mới, mình phải tìm hiểu về văn hóa Mỹ, những vấn đề thời sự của người Mỹ để đáp ứng với công việc. 

- Trước khi sang Mỹ, anh từng vẽ minh họa cho vài báo, vậy việc minh họa ở Mỹ khác với Việt Nam thế nào?

- Minh họa ở Việt Nam thường là công việc một mình một ngựa… và thù lao thấp, không đúng với giá trị. Ở Mỹ thì phải trao đổi với giám đốc sáng tạo ngay từ bước ý tưởng – phác thảo, bố cục. Sau khi được duyệt thì mới tiến hành hoàn chỉnh, thông thường phải mất từ 3-5 ngày cho 1 tranh minh họa.

Một tác phẩm của Trần Hồng Nguyên trên New York Times. Ảnh: NVCC

- Anh có thể chia sẻ những trải nghiệm thú vị khi làm việc trong môi trường báo chí hiện đại lớn nhất thế giới?

- Tôi được làm việc mình yêu thích, mặc dù mỗi dự án là một thử thách đòi hỏi nhiều nỗ lực, mà khi vượt qua thì thấy bản thân trưởng thành hơn nhiều. Trong quá trình thực hiện, giai đoạn tư duy tốn rất nhiều thời gian, còn thực hiện thì tương đối nhanh.

Phần thưởng lớn nhất sau công việc khó khăn là khoe tấm ảnh chụp trang báo cho gia đình, bạn bè, đặc biệt là mẹ - người luôn theo dõi và ủng hộ tôi vô điều kiện.

- Theo anh, để làm việc được trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như ở Mỹ, người trẻ Việt Nam, đặc biệt là người làm trong lĩnh vực vẽ minh họa cho báo cần hội tụ những điều kiện gì?

- May mắn, nỗ lực và không chùn bước trước gian nguy, một mình nơi xứ người là điều đầu tiên. Điều quan trọng không kém trong nghề này là không ngừng sáng tạo, luôn xây dựng ý tưởng mới.

Tôi là người suy nghĩ lạc quan nên cảm thấy năng lượng, cảm hứng đến từ mọi thứ xung quanh: phim, báo chí, tranh, ảnh, thời trang. Mỗi thứ trong cuộc sống đem đến cho tôi những cảm giác, ấn tượng khác nhau. Tôi quan niệm sáng tạo là cách kết hợp mới của các yếu tố cũ. Mình càng có nhiều yếu tố lưu trữ thì sự phong phú trong cách kết hợp càng nhiều.

- Đã có công việc tốt ở Mỹ, anh sẽ tiếp tục phát triển sự nghiệp ở đây hay về Việt Nam?

- Tất cả đều là duyên số, tôi không muốn nói trước điều gì. Dự định trước mắt, tôi sẽ tham dự trại sáng tác dành cho nghệ sĩ tại Chicago vào tháng 3 và tham gia triển lãm về minh họa tại Portland, Oregon vào tháng 5. Song song, đó tôi vẫn duy trì công việc tại Chicago Children’s Theatre và tham gia các dự án do Spinning Yarn Reps tại Mỹ thực hiện.



Bích Hằng

Bạn có thể quan tâm