Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hồ Anh Thái kể chuyện đời, chuyện nghề trong sách mới

Một bên là những lời tự thuật dí dỏm và hài hước, một bên là những trăn trở sâu sắc với nghề, độc giả sẽ cảm nhận văn phong và con người Hồ Anh Thái qua hai góc nhìn hoàn toàn khác

Từng nói sẽ không xuất bản thêm cuốn sách nào nữa, nhưng Hồ Anh Thái lại làm cho những bạn đọc yêu quý ông phải bất ngờ. NXB Trẻ vừa ấn hành hai tác phẩm mới của nhà văn, đó là tập hồi ký Tự kể và cuốn tiểu luận Lang thang trong chữ. Dường như, món nợ với văn chương và chữ nghĩa vẫn canh cánh trong lòng con người đa tài này.

Đang bận công tác ở nước ngoài, nên Hồ Anh Thái không thể có mặt trong buổi giao lưu ra mắt hai tác phẩm mới, vừa diễn ra tại Hà Nội. Nhưng không vì thế mà cuộc trò chuyện về những cuốn sách mới của nhà văn gốc Nghệ mất đi phần sôi nổi.

Buổi giao lưu có sự góp mặt của nhiều nhà phê bình, nhà văn có tên tuổi như: nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, PGS-TS Ngô Văn Giá, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, TS Mai Anh Tuấn, nhà văn Lê Minh Khuê, Trần Thanh Cảnh, nhà báo BTV Nguyễn Trương Quý và nhà thơ trẻ Lu. Con người Hồ Anh Thái không chỉ hiện hữu trong trang viết mà còn được tái hiện một cách sâu sắc, đa chiều từ góc nhìn của những người bạn, người trong nghề.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và PGS- TS Nguyễn Thị Minh Thái nói về sách mới của Hồ Anh Thái

Với vai trò MC, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên mở đầu cuộc trò chuyện bằng những chia sẻ rất chân thật. Là người quen biết nhà văn Hồ Anh Thái từ rất lâu, nhưng những điều ông biết về con người này dường như chỉ xoay quanh chuyện văn chương, chữ nghĩa. Tác giả của Cõi người rung chuông tận thế, vốn là người kín tiếng trong những chuyện đời tư cá nhân. Việc ông cho ra đời cuốn hồi kí Tự kể khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Tự kể tái hiện quãng đời từ lúc niên thiếu cho đến khi trưởng thành của nhà văn. Kỷ niệm những lần cùng gia đình đi sơ tán xuống Phủ Dày- Nam Định, ước mơ trở thành họa sĩ, những năm tháng say mê học đàn… tất cả đều được Hồ Anh Thái kể bằng một giọng văn dí dỏm và hài hước. Khác hẳn với văn phong sâu lắng, giàu triết lý, pha chút giễu nhại mà người đọc vẫn quen thuộc lâu nay.

Để nói về Tự kể, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng: “Hồ Anh Thái là một người viết hồi ký thông minh, biết kể như thế nào là đủ. Bởi nhà văn đã dùng chính ngòi bút của mình để kể chuyện đời mình. Bằng một giọng văn trong trẻo, hồn nhiên và dí dỏm Tự kể cho tôi cảm giác giống như khi đọc tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng Hoàng tử bé”. Tự kể không chỉ là cuốn hồi ký để chúng ta hiểu thêm về cuộc đời nhà văn. Tác phẩm còn là nguồn tư liệu để người đọc hiểu thêm về bối cảnh đất nước ở một giai đoạn lịch sử.

Lang thang trong chữ là tập tiểu luận dày hơn 300 trang, tập hợp hơn 40 mươi bài viết của tác giả. Mỗi bài viết là một nỗi niềm riêng của nhà văn trong cuộc hành trình với chữ nghĩa và văn chương. Không chỉ nói về chuyện viết văn, sáng tác; trong cuốn sách này Hồ Anh Thái còn đề cập đến nhiều vấn đề khác của văn học như: dịch thuật, in ấn, xuất bản. Nhà văn đã đặt nó trong một cái nhìn đa chiều về văn hóa.

Hai cuốn sách mới của nhà văn Hồ Anh Thái

PGS- TS Ngô Văn Giá chia sẻ: “Đọc Lang thang trong chữ, chúng ta thấy được rằng Hồ Anh Thái không chỉ là một người yêu chữ, quý chữ, mà anh còn nể chữ và sợ chữ. Với tư cách một người làm việc với chữ nghĩa, nhà văn đã rất cẩn trọng. Hồ Anh Thái đã giúp cho những người viết trẻ ý thức được những vấn đề về nghề nghiệp, câu chữ và giọng điệu."

Tự kể Lang thang trong chữ không chỉ đơn thuần là những cuốn sách. Chúng là những sản phẩm của quá trình lao động nghiêm túc với câu chữ. Ở đó, ta bắt gặp một con người đa tài, uyên bác, thông minh nhưng lại rất khiêm tốn khi nói về mình.




Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm