Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ thả mình trong cõi vô niệm

Hồ Hữu Thủ chú trọng hình họa cơ bản, trên cơ sở hình họa điêu luyện, ông thỏa sức bứt phá vào cõi vô niệm.

Thập kỷ 1990, trước khi những cuốn sách của tôi ấn hành ở Mỹ, các ông chủ xuất bản biết tôi là người nhà của họa sĩ Hồ Hữu Thủ bèn nhờ tôi xin phép sử dụng tranh của ông làm bìa sách. Tất nhiên họa sĩ vui vẻ đồng ý. Tôi là cháu gọi ông bằng cậu. Bìa tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra (Behind the Red Mist, 1998), nhà xuất bản Curbstone Press dùng bức tranh sơn mài Hồ Hữu Thủ vẽ năm 1987.

Trên nền đỏ là một cặp vợ chồng trẻ phơi lộ vẻ đẹp hình thể, ở phía chân họ là đứa bé sơ sinh ngủ yên lành như được bọc trong một chiếc lá sen. Bìa tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo (The Women on the Island, University of Washington Press 2000) là bức sơn mài Chiếc bình xanh. Hai thiếu nữ nuy với chiếc bình màu ngọc bích lung linh đặt ở chính giữa.

Còn đến tuyển tập Tình yêu sau chiến tranh (Love after War, 2003) nhà xuất bản chọn bức sơn mài cỡ lớn Ngủ bên hồ sen. Thiếu nữ nuy nằm quay lưng về phía người xem, phía trên là một khoảng trống lớn, một đêm đen mênh mông làm phần thân thể bừng sáng như một ngọn đèn. Bên mái tóc trải dài là một chùm hoa sen e ấp như ướp hương sen vào không gian.

Hồ Hữu Thủ chú trọng hình họa cơ bản, trên cơ sở hình họa điêu luyện, ông thỏa sức bứt phá vào cõi vô niệm. Những dáng hình hiện thực vừa mới hiện lên đã ngay lập tức được nhấn chìm vào một không gian sương khói chập chờn. Như có đấy mà không đấy. Rất nhiều ý tưởng và ý niệm tràn đến khi bắt đầu ngồi vẽ, nhưng họa sĩ nhiều lần “lật ngược bảng vẽ”, mỗi lần lật ngược là một lần xua đi những ý niệm những định kiến.

Hoa  si anh 1

Một bức tranh của Hồ Hữu Thủ. Ảnh: hoasivietnam.wordpress.com

Khi tất cả những bầy ong vo ve ấy bị xua hết đi rồi, đấy là lúc họa sĩ bắt đầu chìm đắm vào cõi vô thức của riêng mình. Hồ Hữu Thủ coi đấy là khoảnh khắc không phải mình vẽ nữa. Bàn tay và trái tim họa sĩ đã trở thành phương tiện trung chuyển để chuyển tải từ một cõi xa xăm. Nghe như thần bí hóa công việc sáng tạo nghệ thuật nhưng đấy là điều họa sĩ tin, bằng chứng là sau đó họa sĩ không thể vẽ lại được một bức tranh giống như vậy nữa. Mỗi bức tranh là chỉ có một, và duy nhất.

Hành trình sáng tạo gần bảy mươi năm, Hồ Hữu Thủ đã trải qua nhiều phương pháp, khởi đầu từ hình họa theo chủ nghĩa ấn tượng, chuyển sang siêu thực, cũng có khi tìm tòi đến cả tượng trưng và lập thể, để dần dần đi đến trừu tượng mang tính Phật và màu sắc phương Đông. Không gian trừu tượng này không chỉ thể hiện sự vô ý niệm vô định kiến của họa sĩ mà còn dẫn người xem vào một thế giới đa sắc đa chiều, có thể thả hồn mình tự do và được dẫn dắt đến nơi vô định.

Họa sĩ vẽ gì vậy? Họa sĩ có thể cười mà nói rằng tôi không vẽ gì cả. Sao những bông hoa sen kia lại chúc đầu xuống mà nở, sao thiếu nữ kia lại phơ phất bay lên, sao con ngựa kia lại phân thân thành nhiều cái đầu như một ảo ảnh? Chính họa sĩ cũng không biết trả lời thế nào (phải rất biết thì mới không biết). Người xem có thể hiểu bức tranh này thế nào đây? Không cần hiểu, chỉ cần cảm nhận.

Như nhạc không lời. Như văn chương nghệ thuật nói chung. Không phải điều gì cũng có thể lý giải. Chỉ cần cảm nhận. Mà nếu không cảm nhận được nó thì cũng thôi, cứ việc thả cho cái đầu và trái tim ta được bay bổng tự do trong ấy.

Hồ Anh Thái/ NXB Trẻ

SÁCH HAY