Tập đoàn Hòa Phát vừa thông báo việc chốt danh sách cổ đông để thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản về nội dung thông qua chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất - giai đoạn mở rộng tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.
Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến 60.000 tỷ đồng bao gồm vốn cố định 50.000 tỷ và vốn lưu động 10.000 tỷ. Dự án có diện tích 166 ha, quy mô sản xuất 5 triệu tấn thép gồm 3 triệu tấn thép tấm cuộn HRC, 1 triệu tấn thép hình cỡ trung, 0,5 triệu tấn thép dây cuộn chất lượng cao, 0,5 triệu tấn thép tròn cơ khí chế tạo.
Nguồn vốn tự có (vốn điều lệ) dự kiến 30.000 tỷ đồng được các cổ đông góp theo tiến độ triển khai dự án và được lấy từ vốn chủ sở hữu và các nguồn khác.
Dự án được chia làm 2 phân kỳ. Phân kỳ I xây dựng, hoàn thành và đưa vào hoạt động trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày bàn giao đất và cấp phép xây dựng. Phân kỳ II cũng dự kiến kéo dài 36 tháng sau khi hoàn thành phân kỳ I.
Tổ hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Khu kinh tế Dung Quất. Ảnh: Minh Hoàng. |
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc sở hữu khu liên hợp thép tại Dung Quất là chìa khóa quan trọng giúp Hòa Phát trở thành "vua thép" tại thị trường nội địa, khi đóng vai trò quan trọng hơn trong ngành thép trên cả ba khía cạnh: thị phần thép tại ba miền, chuỗi giá trị, và danh mục sản phẩm.
Kết thúc năm 2019, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 sau gần 3 năm và đang vận hành thử nghiệm lò cao số 1 và 2 cùng các hạng mục liên quan trong chuỗi sản xuất khép kín từ quặng sắt tới thép xây dựng.
Đối với giai đoạn 2, trên 80% hạng mục thiết bị chính đã hoàn thành, dự kiến đưa vào hoạt động 2 lò cao còn lại và dây chuyền đúc cán thép dẹt (HRC) vào hoạt động trong quý II/2020.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019, chi phí xây dựng cơ bản dở dang dự án khu liên hợp gang thép Dung Quất của Hòa Phát là gần 33.100 tỷ đồng, tính tới thời điểm 31/12/2019.
Năm 2019, Hòa Phát ghi nhận doanh thu thuần 63.658 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 12%, đạt 7.508 tỷ đồng. Theo báo cáo của VCSC, sự chênh lệch giữa tỷ lệ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát chủ yếu do biên lợi nhuận gộp giảm trong bối cảnh chi phí nguyên liệu đầu vào biến động mạnh trong năm, cũng như giá bán thép thấp hơn dù sản lượng bán của công ty vẫn tăng trưởng ổn định.