Khác với hoa hồng Đà Lạt, Hà Nội chuyên bán cành, hoa hồng Sa Đéc (Đồng Tháp) chỉ bán gốc. Đây là nguồn cung lớn không chỉ cho miền Nam mà rất được thị trường miền Bắc chuộng.
Hiện tại, làng hoa Sa Đéc là nơi nuôi trồng gần 70 giống hoa hồng khác nhau, với nguồn gốc từ cả trong nước lẫn nước ngoài. Hoa hồng Sa Đéc cung ứng quanh năm cho thị trường cả nước, đặc biệt là dịp Tết. Năm nay, trước Tết hơn một tháng, nhiều hộ trồng hoa hồng cho biết đã không còn hàng để bán.
Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất của làng hoa Sa Đéc so với vườn hoa Đà Lạt hay các làng hoa khác là các luống hoa được trồng trên giàn cao, phía dưới ngập nước và người chăm sóc hoa phải đi ủng hoặc dùng thuyền nhỏ để làm việc. Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thuỳ Duyên (người đang chăm sóc hoa), việc này giúp tiết kiệm chi phí. Đa phần đất trồng hoa đều là đất ruộng trồng lúa cải tạo lại, có giá thuê rẻ nhưng lại dễ ngập nước do địa thế thấp.
Hoa hồng Sa Đéc còn có điểm khác biệt là hoa được trồng theo bụi hoặc vào chậu và xuất bán theo từng chậu. Người mua hoa có thể tiếp tục gieo trồng, nuôi dưỡng hoa, khác với hoa hồng Đà Lạt chỉ được bán theo cành, bó.
Theo ông Hai Cao (Phó chủ tịch Hội hoa kiểng thành phố Sa Đéc), đặc điểm này cũng lại là khó khăn đối với đầu ra của hoa hồng Sa Đéc. Vì người mua có thể tiếp tục nuôi trồng và có thể sử dụng để trang trí, làm công trình nên vòng quay với đầu ra của hoa này chậm hơn, nông dân luôn phải tìm thị trường mới, giống lạ để chinh phục khách hàng.
Xuất bán theo chậu cũng khiến việc vận chuyển hoa hồng Sa Đéc trở nên khó khăn hơn. "Thông thường, xe tải 15 tấn của người ta chở hoa khác thì được nhiều lắm, nhưng mình chở hồng chỉ chở được hơn nửa xe, vì chậu hoa nặng và các chậu ở trên sẽ làm hư hoa ở dưới nếu chở đầy", ông Hai Cao chia sẻ.
Việc vận chuyển khó khăn cũng làm tăng chi phí nhân công, xe, khiến lợi nhuận của người trồng hoa chịu ảnh hưởng ít nhiều.
Điều đáng mừng là trong vài năm trở lại đây, hoa hồng Sa Đéc rất hút khách. Các giống hoa này được thị trường cả nước rất ưa chuộng. Anh Hồ Xuân Thảo (áo xanh), chủ một vườn hoa tại xã Tân Khánh Đông, đang làm thêm giàn để trồng hoa bán Tết.
Anh Thảo cho hay: "Giáp Tết là hoa trồng không kịp bán. Cứ trồng bao nhiêu là thương lái đến mua bấy nhiêu, chủ yếu bán ra Hà Nội. Vừa trống giàn lại phải mau mau lấy cây con lên lấp đầy giàn mới".
Hiện tại, vườn hoa của anh Thảo trồng hơn mười loại hoa hồng khác nhau. Nổi bật trong số đó bao gồm các giống hồng nhung, hồng lửa, hồng leo, hồng tường vi, hồng nữ hoàng, hồng chùm xoan, hồng tỉ muội cam, hồng tỉ muội cà rốt...
Loại hồng được nhiều khách hàng ưa chuộng là hồng đổi màu. Từ lúc ra hoa cho đến khi tàn, hoa hồng này sẽ chuyển qua ba màu khác nhau.
Giá các loại hồng ở địa phương này dao động 15.000-30.000 đồng/chậu mua tại vườn. Tuy nhiên, giá có thể tăng lên trong thời điểm cận Tết khi nguồn cầu với loại hoa này lên cao.
Trong vài năm gần đây, các giống hoa hồng được trồng ở Sa Đéc không chỉ có xuất xứ trong nước mà còn được nhập giống về từ nước ngoài. Nổi bật trong số đó có hồng leo từ Thái Lan, hoặc các giống hồng từ Pháp, Mỹ,...
Cùng với đó, một số nhà vườn cũng có sự cải tiến trong khâu bán hàng khi làm nhãn mác về tên cây và xuất xứ.
Bà Nguyễn Thị Nga, người buôn hồng, chia sẻ bà đến nhà vườn mua hồng và bán chủ yếu cho thị trường Hà Nội, rải rác thêm các tỉnh Đồng Nai, Bạc Liêu, Sóc Trăng,...
Hoa hồng Sa Đéc nổi tiếng từ hơn 50 năm trước, khởi nguồn từ vườn hồng của ông Tư Tôn, nghệ nhân được coi là người đầu tiên trồng hoa hồng đầu tiên ở vùng này. Đến khoảng năm 1958, từ Pháp đã du nhập về Sa Đéc hơn 100 giống hoa hồng, người dân chăm sóc, chọn lọc và đang giữ gìn được khoảng 70 giống thích nghi với môi trường, khí hậu địa phương.
Nằm tại xã Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, làng hoa kiểng Tân Quy Đông là vựa hoa lớn nhất khu vực Nam Bộ, cung cấp hoa cho khắp các tỉnh trên cả nước.
CEO Thiên Long cho biết doanh nghiệp gần đây đã phải đối mặt với áp lực kép từ sự sụt giảm nhu cầu và sự cạnh tranh của hàng giá rẻ Trung Quốc qua các nền tảng thương mại điện tử.