Chiều 3/7, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chủ trì hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.
Nhấn mạnh ý nghĩa của nghị quyết, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định nó không chỉ tác động về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh cho vùng trung du, miền núi phía Bắc mà còn đối với toàn quốc.
|
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Trung. |
Chuyển biến mạnh sau 15 năm thực hiện nghị quyết
Sau 15 năm thực hiện, ông Bình đánh giá không chỉ Hòa Bình mà các tỉnh trong vùng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ với cơ bản các chỉ tiêu đều đạt và vượt. “Điều này khẳng định Nghị quyết 37 là đúng đắn cũng như nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy và chính quyền địa phương”, ông Bình nói.
Ông đánh giá tỉnh Hòa Bình đã quán triệt và triển khai nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị.
Theo đó, kết quả phát triển kinh tế - xã hội có nhiều đột phá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2004-2018 đạt 8,74%, cao hơn bình quân chung cả nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2004-2018 đạt 24.506 tỷ đồng; đến năm 2018 đạt 3.378 tỷ đồng, gấp 11,85 lần so với năm 2004 (285 tỷ đồng)...
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Kinh tế cũng thẳng thắn đề cập những khó khăn, thách thức đối với địa phương này như các động lực tăng trưởng của Hòa Bình nói riêng và phần lớn các địa phương trong vùng chưa được cải thiện, thiếu các động lực mới.
Việc đổi mới thể chế cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn hạn chế, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hòa Bình còn thấp, đời sống của bộ phận lớn dân cư còn khó khăn.
Ngoài ra, nguồn nhân lực tại chỗ còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; năng lực để tiếp thu, sử dụng tri thức, sử dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh và đời sống còn thấp.
Việc quản lý hoạt động tôn giáo còn nhiều lúng túng; tình trạng di dân tự do gắn với kích động ly khai, tự trị còn diễn ra. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp, gây mất ổn định.
Đặc biệt, việc sử dụng các nguồn tài nguyên đất đai, rừng, khoáng sản còn chưa hợp lý, nhiều nơi xảy ra tình trạng khai thác trái phép hoặc có phép nhưng không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và phát triển bền vững.
Cần tận dụng vị trí địa lý để phát triển
Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị Hòa Bình làm rõ hơn nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trên là cơ chế, chính sách, do nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu hay triển khai thực hiện.
“Các hạn chế từ phía bộ, ngành cần được thể hiện rõ ràng hơn, không né tránh. Cần chỉ rõ các hạn chế thuộc phạm vi quản lý cụ thể của bộ, ngành nào, chính sách gì và các bất cập cụ thể khi triển khai tại địa phương để có căn cứ đánh giá và báo cáo Bộ Chính trị nhằm có giải pháp tháo gỡ”, ông Bình quán triệt.
Theo ông, Hòa Bình cần tận dụng vị trí địa lý thuận lợi kết nối vùng Tây Bắc và Hà Nội, nghiên cứu phát triển dịch vụ logistics gắn với các cơ sở chế biến nông lâm thủy sản. Bên cạnh đó là phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm và xây dựng Hòa Bình thành vùng nghỉ đệm cho Hà Nội.
“Với những lợi thế đặc biệt của tỉnh, nhất là lợi thế gần Hà Nội, các mục tiêu của Hòa Bình cần thể hiện khát vọng đến năm 2030, thậm chí trước năm 2030 là tỉnh tự cân đối được thu - chi, trở thành tỉnh khá trong vùng, hướng tới là tỉnh trung bình khá của cả nước”, ông Bình nhấn mạnh.