Theo lịch trình, chiều 2/5, phiên toàn thể của Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 có phần hiến kế của các doanh nghiệp tư nhân.
Diễn đàn năm nay thu hút hơn 2.000 doanh nghiệp tư nhân trên cả nước.
Góp ý với Chính phủ, các Ban Đảng và Quốc hội, nhiều doanh nghiệp tư nhân đưa ra nhiều vấn đề như phát triển kinh tế số, nông nghiệp công nghệ cao, mô hình kinh doanh mới...
Toàn cảnh diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019. Ảnh: Việt Linh. |
-
Mong muốn kinh tế tư nhân sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa
Phát biểu bế mạc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 10, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng tài chính và doanh nghiệp, kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển quan trọng.
Ông Bình cũng khẳng định Đảng luôn kiên định trong việc định hướng cho kinh tế tư nhân, quan tâm đến các chính sách phát triển đồng bộ và đánh giá kinh tế tư nhân là một phần quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng thẳng thắn nêu lên những mặt hạn chế và đề nghị sửa đổi, xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân. Ông đánh giá Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019 đã diễn ra trong không khí cởi mở, tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Bình mong muốn kinh tế tư nhân sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
-
Miễn thị thực đảm bảo nguyên tắc "có đi có lại"
Thứ trưởng Tô Anh Dũng thay mặt Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam đang hướng tới việc đơn giản hóa thủ tục thị thực nhằm tạo điều kiện cho khách nước ngoài vào Việt Nam. Hiện tại, có 13 quốc gia được miễn thị thực vào Việt Nam và 81 quốc gia có thể đăng ký cấp thị thực online.
Tuy nhiên, người Việt lại đang gặp khó trong việc xin thị thực ở nước bạn ngay cả những nước chúng ta đã miễn thị thực cho họ. Sắp tới, Việt Nam đề xuất miễn thị thực đơn phương cho một số quốc gia, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc “có đi có lại”.
Vấn đề mở rộng danh sách các nước Việt Nam miễn thị thực đơn phương, Bộ Công an đang chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện. Theo ông Tô Anh Dũng, Bộ Ngoại giao luôn ủng hộ và sẵn sàng kết hợp với các bộ, ngành.
-
Vốn đầu tư vào TP.HCM chiếm đa phần là lĩnh vực bất động sản
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hiện nay cứ 1.000 doanh nghiệp mới thành lập mới tại thành phố thì chỉ có một doanh nghiệp Nhà nước, nên nhấn mạnh doanh nghiệp tư nhân chiếm đa số và đóng vai trò quan trọng.
Năm 2018, TP.HCM có 121.000 doanh nghiệp mới. Khối tư nhân đóng góp 63% tổng sản phẩm nội địa, 41% thu ngân sách.
Về cơ cấu vốn đầu tư, Bí thư Nhân cho rằng còn nhiều điểm bất hợp lý. Lĩnh vực bất động sản đang chiếm 43% tổng vốn của các doanh nghiệp đầu tư. Trong khi đó lĩnh vực chế biến, chế tạo chỉ chiếm 10%. Lĩnh vực khoa học truyền thông và công nghệ chỉ chiếm 8% vốn.
Ông Nhân cho rằng thực tế tại TP.HCM, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, lạc hậu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, luật còn chồng chéo, thời gian giải quyết còn dài.
Ông cũng chỉ ra thiếu vốn là nguyên nhân cơ bản khiến năng suất lao động thấp, các chính sách chưa tác động mạnh đến doanh nghiệp công nghệ thông tin. Doanh nghiệp cũng chưa có tập quán đào tạo nhân sự.
-
Làm thế nào để giảm thủ tục lập hãng bay mới?
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời các doanh nghiệp về vấn đề ổn định chính sách và luật pháp, thủ tục thành lập hãng hàng không mới, hỗ trợ khởi nghiệp:
Về ổn định chính sách, có khả năng dự báo được là yếu tố quan trọng hàng đầu. Chính phủ luôn luôn xác định ổn định luật pháp và thống nhất là mục tiêu xuyên suốt. Trên cơ sở đó có 2 vấn đề.
Thứ nhất, tính thống nhất các luật pháp còn chồng chéo, mâu thuẫn. Chúng tôi cùng bộ ngành đang rà soát để tránh điều này.
Thứ hai, về sự ổn định của hệ thống luật pháp, cần có một quy định trong các quá trình chuyển đổi, để doanh nghiệp đủ thời gian và nguồn lực thực thi. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam thống nhất không hồi tố. Cái nào có lợi thì doanh nghiệp được hưởng, cái nào bất lợi thì không phải chịu tác động.
Về thành lập hãng hàng không, đây là lĩnh vực ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, là ngành kinh doanh có điều kiện. Chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Thứ hai là cấp giấy phép kinh doanh của bộ chủ quản. Chúng tôi đang rà soát 2 vấn đề này đồng thời, nếu có vấn đề gì sẽ giảm bớt đi.
Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có tính chất đặc thù khác biệt. Chính phủ đang có nhiều chính sách để loại bỏ các vướng mắc gia nhập thị trường, rút lui khỏi thị trường.
-
Xây dựng mô hình điểm xuất khẩu nông sản sang Mỹ và Canada
Bà Thái Hương, Nhà sáng lập TH True Milk và Chủ tịch HĐQT Bắc Á Bank:
Đề xuất Chính phủ xây dựng chuỗi nông - lâm - thủy sản có giá trị thương phẩm cao, đáp ứng yêu cầu các thị trường trọng điểm. Ngoài ra, cần sớm tập trung xây dựng một số dự án điển hình thành như chuỗi chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Ví như xây dựng như chuỗi sản phẩm sữa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc, chuỗi tôm xuất khẩu sang Mỹ, Canada, EU...
Bà Hương cũng đề xuất triển khai số hóa và hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia ngành nông nghiệp, có cơ chế giám sát tiêu chuẩn quốc gia, đề xuất Quốc hội ra luật dinh dưỡng học đường.
-
Đề xuất xây dựng trung tâm xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam đề xuất Việt Nam nên mở thêm visa cho một số nước. Cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Thứ hai, cần sớm hình thành các trung tâm xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài. Nếu được cho phép, các doanh nghiệp tư nhân mong muốn xây dựng 2 trung tâm xúc tiến tại nước ngoài bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Thứ ba, cần sớm tháo gỡ việc cấp phép hình thành các hãng hàng không mới. Đề xuất Chính phủ nhân rộng mô hình tư nhân có thể xây dựng sân bay Vân Đồn, để xây dựng nhiều công trình hạ tầng hàng không mới.
-
Kiến nghị thanh tra việc giảm thuế 0% ôtô nhập khẩu từ ASEAN
Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Tập đoàn Trường Hải (THACO), đề xuất Chính phủ không tính thuế tiêu thụ đặc biệt linh kiện trong nước, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Vị này cũng kiến nghị Chính phủ tăng cường thanh kiểm tra việc giảm thuế 0% đối với xe ôtô nhập khẩu từ ASEAN. Theo lãnh đạo Thaco, một số doanh nghiệp được hưởng thuế nhập khẩu ôtô về Việt Nam là 0% khi chứng minh tỷ lệ nội địa hóa đạt 40% tại các nước trong khu vực. Tuy nhiên, đại diện Thaco cho rằng để đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% là rất khó. Do đó cần thanh tra việc này để tránh gian lận thương mại, thất thu thuế. -
Chính phủ cần khuyến khích tư nhân nghiên cứu phát triển công nghệ cao
Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách VinFast đề xuất Chính phủ cần khuyến khích tư nhân trong việc nghiên cứu phát triển công nghệ cao.
Ngoài ra cần tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp trong nước. Phó tổng giám đốc Vingroup cũng đề xuất Chính phủ tạo điều kiện để doanh nghiệp kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo, thu hút chất xám toàn cầu. Các doanh nghiệp tư nhân có thể mời nhiều nhà kinh tế về làm việc.
Ông Huệ cũng đề xuất Chính phủ cần tạo điều kiện thu hút FDI vào công nghiệp phụ trợ trong nước, giúp hình thành và phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ cao.
-
Không nên quá lo lắng vấn đề môi trường
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam:
Thứ nhất, cần tính toán VAT các phần thiếu hụt mà ngành dệt may trong nước không sản xuất được. Do đó, cần có tầm nhìn để khích lệ sản xuất các phần thiếu hụt này trong nước.
Thứ hai, cần có giải pháp thúc đẩy các khu công nghiệp về dệt nhuộm trên cả nước. Các địa phương không nên quá lo lắng về vấn đề môi trường, bởi các doanh nghiệp đã có công nghệ tốt.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Ảnh: Việt Linh. Thứ ba, Quốc hội nên xem xét lại Luật Doanh nghiệp, vì hiện nay không cho phép các doanh nghiệp FDI vào làm hội viên hiệp hội dệt may Việt Nam. Họ là các doanh nghiệp đang sản xuất những phần mà dệt may Việt Nam thiếu hụt.
Thứ tư, cần có chiến lược đào tạo nhân lực ngành dệt nhuộm ở Việt Nam.
-
Đề xuất giao tư nhân tiếp cận các dự án lớn như Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đề xuất một số vấn đề:
Thứ nhất, cần xác định tư nhân là cỗ máy tạo việc làm lớn nhất hiện nay, đóng vai trò chuyên dịch lao động từ nông nghiệp năng suất thấp sang khu vực công nghiệp dịch vụ. Trong tương lai khu vực này sẽ đóng góp 60-65% GDP vào 2030.
Thứ hai, cần sửa đổi Luật doanh nghiệp, mởi đường doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thể “lớn lên”. Hiện tại 93% là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Luật Doanh nghiệp cần xác lập hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Việt Linh. Thứ ba, Quốc hội dùng luật để sửa nhiều luật, đặc biệt là môi trường kinh doanh bắt kịp hội nhập, chuyển đổi số và kinh tế số.
Thứ tư, đề xuất cần trung lập hóa bộ máy làm chính sách. Hiện nay chỉ có các bộ, ngành làm luật. VCCI đề xuất nên giao cho doanh nghiệp và hiệp hội kiến nghị, đưa ra giải pháp cải cách mạnh mẽ hơn về luật và chính sách.
Thứ năm, cần lấy hài lòng của doanh nghiệp là thước đo sự hoàn thành công việc của công chức, cán bộ.
Thứ sáu, cần xã hội hóa dịch vụ công, thúc đẩy đối tác công tư. Cụ thể xã hội hóa dịch vụ công đang thực hiện rất chậm. Với dự án công tư lớn cần đưa ra bàn bạc với doanh nghiệp và doanh nhân tư nhân. Sau 30 đổi mới đã có doanh nghiệp hàng đầu, tiếp cận công nghệ hàng đầu, hãy cho họ tiếp cận xây dựng các dự án lớn như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam.
Thứ bảy, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính như bảo vệ tài sản quốc gia.