Tối 16/1, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng.
Theo đó, mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người với người lao động là đoàn viên công đoàn bị giảm thời gian làm việc hàng ngày, giảm số ngày làm việc trong tuần hoặc trong tháng (trừ trường hợp giảm thời gian làm thêm giờ) hoặc bị ngừng việc từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023.
Đồng thời, người được hỗ trợ phải có thu nhập một tháng bất kỳ bằng hoặc thấp hơn lương tối thiểu vùng. Với lao động không phải đoàn viên công đoàn, mức hỗ trợ là 700.000 đồng/người.
Với người lao động là đoàn viên công đoàn bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/10/2022 đến 31/3/2023, mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/người.
Người lao động không là đoàn viên công đoàn nhưng thuộc nhóm trên sẽ hưởng mức hỗ trợ 1,4 triệu đồng/người.
Đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất là 3 triệu đồng/người dành cho người lao động là đoàn viên công đoàn bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Mức hỗ trợ này không dành cho người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, bị xử lý kỷ luật hoặc sa thải...
Người lao động đủ điều kiện trên nhưng không là đoàn viên công đoàn hưởng mức hỗ trợ 2,1 triệu đồng/người.
Với cả 3 trường hợp trên, người lao động không là đoàn viên vẫn hưởng mức hỗ trợ tối đa nếu là nữ từ đủ 35 tuổi trở lên, là nữ đang mang thai, người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi.
Một lao động ở TP.HCM ở lại khu trọ chờ công việc mới sau khi nơi chị làm việc Công ty May Sun Kyoung Việt Nam dừng hoạt động vào ngày 10/11/2022. Ảnh: Ngọc Trang. |
Trong quyết định ban hành kèm theo Nghị quyết, Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu với trường hợp người lao động bị giảm giờ làm hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng, trước ngày 15 hàng tháng, công đoàn cơ sở rà soát, đề nghị người sử dụng lao động phối hợp để tổng hợp danh sách đoàn viên, người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ, gửi hồ sơ đề nghị tới công đoàn cấp trên trực tiếp.
Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/3.
Đối với doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đề nghị, phối hợp với người sử dụng lao động tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ và thu thập hồ sơ theo quy định.
Với trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động có nhu cầu hưởng hỗ trợ gửi hồ sơ đến công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoặc công đoàn cấp tỉnh nơi cư trú hoặc nơi đoàn viên, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.
Sau đó, công đoàn nơi tiếp nhận hồ sơ của đoàn viên, người lao động kiểm tra, hướng dẫn đoàn viên, người lao động nộp hồ sơ quy định và lập biên bản nhận hồ sơ của đoàn viên, người lao động.
Thời gian giải quyết các hồ sơ, thủ tục để người lao động nhận hỗ trợ tối đa 19-22 ngày.
Nguyên tắc hỗ trợ là với mỗi trường hợp, người lao động được chi trả hỗ trợ một lần bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.
Trường hợp đoàn viên, người lao động đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau theo quy định này thì chỉ được hưởng chính sách có mức hỗ trợ cao nhất.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, kinh phí thực hiện hỗ trợ đoàn viên, người lao động được chi từ nguồn tài chính của công đoàn cấp trên cơ sở.
Trường hợp công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không cân đối được nguồn thì Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện cấp bù.
Các đơn vị liên quan có số dư quỹ hoạt động thường xuyên tại cấp 2 và cấp 3 đến thời điểm chi hỗ trợ dưới 15 tỷ đồng được yêu cầu báo cáo Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét hỗ trợ.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.